Chuyên gia quốc tế: Trung Quốc tiếp tục chèn ép các nước nhỏ
VOV.VN - Giới chuyên gia quốc tế cảnh báo Trung Quốc ngoan cố không tuân theo luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục hành vi chèn ép các nước nhỏ trong khu vực.
Tính đến nay giàn khoan Hải Dương-981 và đội tàu bè, máy bay của Trung Quốc đã hoạt động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần 70 ngày, tiếp tục kéo theo sự lo ngại và chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Giới chuyên gia quốc tế cảnh báo Trung Quốc ngoan cố không tuân theo luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục hành vi chèn ép các nước nhỏ trong khu vực.
Trung Quốc phải tuân thủ nguyên tắc và luật pháp. Đó là khẳng định của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel trong bài phỏng vấn với báo Asahi Shimbun của Nhật Bản ngày 5/7. Ông Russel nói rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây căng thẳng cho khu vực.
Ông Russel nhấn mạnh, Trung Quốc phải chấp nhận những nguyên tắc và luật lệ ràng buộc cả những nước lớn mạnh và những quốc gia nhỏ yếu. Đó là thông điệp của Mỹ đối với Trung Quốc về một số vấn đề và thách thức nổi lên trong khu vực.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ, tại sao, trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng công khai tuyên bố cam kết về một môi trường hòa bình, thì nước này lại đột nhiên triển khai giàn khoan trong vùng biển mà người ta biết rõ Việt Nam xem đó là vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Trong bài bình luận mới nhất đăng trên chuyên trang War on the Rocks, Giám đốc chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS), ông Patrick M.Cronin khẳng định Trung Quốc hoàn toàn bất chấp đạo lý và pháp lý khi tuyên bố nước này có quyền dùng tàu hải quân, tàu hải cảnh và tàu cá để bảo vệ giàn khoan trong phạm vi bán kính ít nhất 3 hải lý.
Ông Cronin chỉ rõ thứ nhất là giàn khoan Hải Dương-981 rõ ràng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam; thứ hai, theo Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS), kể cả đối với những giàn khoan nằm trong vùng biển Trung Quốc thì nước này cũng chỉ có quyền khoanh vùng bảo vệ bán kính tối đa 500 m.
Song song đó, Trung Quốc còn đưa thêm giàn khoan Nam Hải-09 hoạt động tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc và đang có hoạt động cải tạo phi pháp tại ít nhất 5 bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Mới đây nhất, lực lượng Trung Quốc đã ngang ngược bắt giữ một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi cùng 6 ngư dân.
Chuyên gia Cronin nhận định những động thái này cho thấy Trung Quốc là nước “tỏ ra tích cực tham gia các diễn đàn, khuôn khổ đa phương nhưng lại thường xuyên hành động đơn phương dồn ép các nước khác và sẽ không chấp nhận luật pháp quốc tế”. Vì thế, ông không tin rằng Trung Quốc sẽ hăng hái ủng hộ tìm kiếm các biện pháp xây dựng lòng tin và sớm chấp nhận cho ra Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Rõ ràng là Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh một cách thái quá và hành động này của Bắc Kinh đã gây rủi ro đối với trật tự an ninh ở khu vực. Các chuyên gia cảnh báo rằng, giới hoạch định chính sách các nước cần phải theo sát các hành động của Trung Quốc và có đối sách kịp thời. Việc cần làm trước mắt là phải chuyển tới giới hoạch định chính sách an ninh Trung Quốc một thông điệp rõ ràng rằng nếu họ tiếp tục liều lĩnh thì sẽ không lường được hết hậu quả./.