Chuyên gia Trung Quốc nêu điều kiện mở cửa trong dịch Covid-19
VOV.VN - Ông Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về dịch tễ học của Trung Quốc hôm qua (11/11) cho biết, để mở cửa hoàn toàn, nước này cần làm tốt 3 việc là tiêm chủng toàn dân, chống dịch thường xuyên tại cộng đồng và nghiên cứu thuốc đặc trị.
Phát biểu tại Diễn đàn Thị trưởng Toàn cầu năm 2021 tổ chức tại thành phố Quảng Châu, ông Chung Nam Sơn, Viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc cho biết, hiện thế giới có 4 cách phòng chống dịch Covid-19 chính, gồm kiểm soát mạnh, áp chế, ngăn chặn và không có biện pháp nào.
Theo ông, kiểm soát mạnh và áp chế là biện pháp hiệu quả và phải làm. Trung Quốc chủ yếu áp dụng phương pháp kiểm soát mạnh, với việc cân nhắc làm thế nào để cân bằng giữa sức khỏe người dân và phát triển kinh tế.
Liên quan đến việc Trung Quốc mở cửa và chuyển sang trạng thái bình thường, ông cho rằng, cần tiếp tục giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên toàn cầu so với mức hơn 1% hiện nay và giảm hệ số lây lan của SARS-CoV-2. Điều này có thể được thể hiện trên ba khía cạnh cụ thể, là tiêm chủng toàn dân, phòng chống dịch thường xuyên tại cộng đồng và nghiên cứu các loại thuốc hiệu quả.
Ông Chung Nam Sơn cho rằng, về vấn đề tiêm chủng, điều cần quan tâm hiện nay là tiêm mũi tăng cường. Trên toàn cầu, dù là vaccine phương Tây hay Trung Quốc, trong vòng nửa năm cho hiệu quả khá tốt, nhưng sau đó đều giảm dần. Đây là một thực tế và vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, do vậy cần có nghiên cứu thêm trong tương lai.
Theo ông, có 2 cách để tạo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, nếu thực hiện miễn dịch tự nhiên với 70%-80% dân số bị mắc bệnh sẽ là phi thực tế, phi khoa học và vô nhân đạo. Với tỷ lệ tử vong 2,1%, số người chết do Covid-19 trên toàn cầu sẽ là 12,64 triệu. Trong khi đó, miễn dịch bằng tiêm phòng hàng loạt sẽ cần sự hợp tác của toàn thế giới từ 2 đến 3 năm.
Đề cập đến cách tiếp cận của Trung Quốc hiện nay, ông nhấn mạnh, “phòng ngừa và kiểm soát dịch chuẩn xác là rất quan trọng, nhưng không được gia tăng biện pháp theo từng cấp, điều này sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế”./.