CNN mổ xẻ bí mật “gây nghiện” của cà phê trứng Việt Nam
VOV.VN – Kênh CNN của Mỹ ngày 27/3 đăng bài viết của PV Halima Ali có nhan đề “Cà phê trứng? Vì sao món đặc sản Hà Nội này khiến người ta đổ xô đi tìm”.
Bước xuống bất cứ con phố nào ở Việt Nam là người ta có thể nhanh chóng nhận ra đây là đất nước “phát cuồng vì cà phê” – phóng viên CNN viết.
Món cà phê trứng của Việt Nam khiến nhiều du khách quốc tế say mê. Ảnh: CNN. |
Từ những người vừa ngồi nhấm nháp cà phê trên chiếc ghế nhựa thấp bên vỉa hè vừa ‘buôn’ chuyện với bạn bè, đến những người thích những quán xá sang chảnh mọc lên khắp nơi ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhu cầu caffeine là không thể thiếu.
Nhưng những ai tới quán cà phê Giảng nằm khiêm tốn trong một con hẻm ở Hà Nội lại tìm kiếm một điều gì đó hơn là chỉ một hỗn hợp caffeine.
Và đó là “cà phê trứng”, một món đặc sản của Hà Nội với lớp trứng đánh bông mềm như kem phủ trên lớp cà phê đậm đà hương vị Việt Nam.
Có rất nhiều quán ở Hà Nội phục vụ món này nhưng cà phê Giảng tự nhận là nơi đã “phát minh” ra nó.
Món này có thể uống cả nóng và lạnh.
Hai "phiên bản" cà phê nóng và lạnh ở cà phê Giảng. Ảnh: CNN |
Khi uống lạnh, nó là một hỗn hợp màu vàng nhạt được pha vào một chiếc cốc nhỏ, khi ăn có vị như kem cà phê, giống một món tráng miệng hơn là cà phê.
Khi uống nóng, chiếc cốc được đặt vào một bát nước nóng để giữ nhiệt. Vị cà phê đặc từ dưới đáy cốc len qua lớp trứng vàng đánh bông trên bề mặt tạo cảm giác đậm đà và ngọt ngào mà không ngấy.
Quán cà phê Giảng có 2 tầng, ở giữa là quầy thu ngân của ông Nguyễn Văn Đạo, người vẫn ghi chép tất cả yêu cầu của khách vào một cuốn sổ lớn và quán xuyến nhân viên chạy bàn.
Ông Nguyễn Văn Đạo và căn bếp nhỏ, nơi pha chế món cà phê chứ danh. Anh: CNN. |
Sau lưng ông là một gian bếp mở khiêm tốn, nơi có chiếc máy trộn hiện đại màu đỏ làm việc liên tục để đánh trứng và trộn nguyên liệu.
Ông không giấu được niềm tự hào khi có khách hỏi han về món đồ uống nổi tiếng nhất của quán cà phê này.
Ông nói chính cha ông, cụ Nguyễn Văn Giảng đã “phát minh” ra công thức này khi làm người pha chế ở khách sạn Sofitel Legend Metropole Hotel năm 1946. Khi đó, tình trạng thiếu sữa tươi trong nước đã khiến trứng đánh bông trở thành giải pháp thay thế.
Gia đình cụ Nguyễn Văn Giảng chụp ảnh trước quán cà phê Giảng ngày đầu "khởi nghiệp". Ảnh: CNN |
“Tất cả người nước ngoài và người Việt Nam ở khách sạn đều thích nó” – ông Đạo cho biết. “Vì thế ông cụ quyết định bỏ việc ở khách sạn và bắt đầu bán cà phê trứng, xây dựng thương hiệu riêng của ông”.
“Tôi rất rất tự hào và hạnh phúc vì rất nhiều khách du lịch đến đây và biết đến thương hiệu của chúng tôi” – ông Đạo chia sẻ.
Quán cà phê Giảng ngày nay nép mình trong một con hẻm nhỏ. Ảnh: CNN |
Khi được hỏi về công thức chế biến, ông Đạo bắt đầu liệt kê nguyên liệu trên đầu ngón tay.
“Có trứng, sữa đặc, bột cà phê, một chút bơ, một chút phô mai… nhưng tôi không thể kể hết được vì đó là công thức bí mật” – ông vừa nói vừa mỉm cười. “Rất nhiều người đã thử bắt chước nhưng vị không thể nào giống như thế này”.
Mark Lowerson, chủ nhà hàng Street Eats Hanoi, nơi tiếp đón du khách từ khắp nơi trên thế giới, cho biết, cà phê trứng lúc nào cũng đắt khách.
“Đối với phần lớn khách hàng của chúng tôi, trải nghiệm với cà phê trứng là một sự giác ngộ” – ông cho biết. “Yếu tố gây ngạc nhiên vô cùng lớn. Khi tôi bắt đầu miêu tả nó, họ không thể làm được phép tính 2+2 nữa. Trứng và cà phê với nhau ư? Thật là khó để hình dung 2 nguyên liệu đó hòa quyện trong cùng một cái cốc. Điều đó rất thú vị”.
“Tôi chưa bao giờ gặp khách hàng không thích nó” – Mark tiếp tục chia sẻ. “Phần lớn họ đều làm một hơi hết sạch và thề sẽ quay lại uống mỗi ngày một cốc chừng nào còn ở Hà Nội. Thậm chí những người không hay uống cà phê cũng bị bất ngờ”./. Người dân thủ đô trả bao nhiêu tiền cho một cốc cà phê?