Công chức Pháp xuống đường lần đầu sau 10 năm phản đối ông Macron
VOV.VN - Lần đầu tiên sau 10 năm, những công chức làm việc trong bộ máy chính quyền Pháp đã xuống đường biểu tình.
Theo lời kêu gọi của các công đoàn, gần 400.000 công chức đã biểu tình trên khắp các thành phố của Pháp và thực hiện cuộc bãi công trên quy mô lớn.
Nguyên nhân chính dẫn đến cuộc tuần hành lớn của giới công chức là các chính sách cải cách mới mà Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã và đang áp dụng trong lĩnh vực hành chính công.
Theo lời kêu gọi của các công đoàn, gần 400.000 công chức đã biểu tình trên khắp các thành phố của Pháp. Ảnh: AFP. |
Cụ thể, từ trước khi lên nắm quyền, ông Macron đã tuyên bố sẽ thực hiện việc cắt giảm ít nhất 120.000 vị trí công chức trong bộ máy nhà nước trong vòng 5 năm. Tiếp theo, hồi tháng 7, chính quyền của ông Macron đã tăng mức phí đóng góp vào an sinh xã hội được trích ra trong thu nhập của giới công chức. Và cuối cùng, dù hứa hẹn sẽ cải thiện sức mua cho giới công chức nhưng chính quyền của ông Macron sẽ chỉ tăng hệ số tính lương lên 0,6% trong năm 2017 rồi sẽ lập tức đóng băng trong năm 2018.
Mục đích của một loạt các biện pháp này là để cắt giảm gánh nặng ngân sách chi cho khu vực hành chính công, vốn là một trong những khu vực sử dụng nhiều lao động nhất tại Pháp.
Tại Pháp, hành chính công được chia làm 3 nhánh. Nhánh thứ nhất là hành chính công nhà nước, tức là các công chức làm trong các cơ quan chính quyền cấp nhà nước, trong đó đông nhất là các công chức trong ngành giáo dục. Tiếp đến là hành chính công địa phương, là các công chức làm việc ở các lãnh thổ địa phương như hội đồng vùng, hội đồng thành phố hay toà thị chính. Nhánh cuối cùng, là các công chức nhà nước trong lĩnh vực bệnh viện, gồm các bác sỹ, y tá, hộ lý.
Với tổ chức phức tạp như thế nên lĩnh vực hành chính công tại Pháp cũng đồ sộ về quy mô. Tổng thể, tính hết năm 2016, nước Pháp có đến 5,64 triệu công chức nhà nước, cao nhất tại châu Âu. Để so sánh, nước Đức chỉ có 4,9 triệu công chức trong khi dân số Đức nhiều hơn dân số Pháp đến hơn 15 triệu người.
Vì lí do đó, việc cải cách hành chính, giảm bớt số lượng công chức được coi là một trong những ưu tiên cải cách hàng đầu của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, nhằm giảm gánh nặng ngân sách và cải thiện hiệu quả hoạt động của một bộ máy hành chính công nổi tiếng là quan liêu và trì trệ.
Tất nhiên, các ý định cải cách này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của giới công chức Pháp, nên giới công chức đã rầm rộ xuống đường với các lời công kích rằng chính quyền của ông Macron đang ngày càng bần cùng hoá giới công chức và để họ làm việc trong các điều kiện và đãi ngộ kém.
Mặc dù vậy, sự phản kháng tương đối yếu ớt như hiện nay của giới công chức Pháp, thể hiện qua quy mô biểu tình không lớn như mong đợi, sẽ khó có thể khiến chính quyền của ông Macron thay đổi ý định./.