COP 28: Thời điểm then chốt cho các hành động vì khí hậu
VOV.VN - Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra tại thành phố Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan có chiều hướng gia tăng và ngày càng khốc liệt hơn. Đây là thời điểm then chốt cho các hành động vì khí hậu.
Chủ tịch COP28, Sultan Al-Jaber thông báo về một trong những mục tiêu lớn mà COP28 đặt ra: “Chủ tịch COP28 đang yêu cầu tất cả các bên ký cam kết toàn cầu nhằm tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2030”.
Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu mới này hồi đầu năm nay. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen vừa cho biết, đã có hơn 110 quốc gia tán thành mục tiêu nêu trên và khẳng định đã tới lúc đưa những mục tiêu này vào tuyên bố chung của COP, bởi điều này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các nhà đầu tư, cũng như người tiêu dùng trên toàn thế giới.
“Ở một số quốc gia, chi phí vốn cho năng lượng tái tạo quá cao. Đó là thông điệp tôi rút ra được từ Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi ở Nairobi. Vì vậy, chúng ta cần cung cấp hỗ trợ tài chính cần thiết cho các quốc gia cần nó. Và vì vậy tôi rất vui mừng để thông báo rằng trong hai năm tới, Liên minh Châu Âu sẽ đầu tư 2,3 tỷ euro từ ngân sách của khối để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng này ở khu vực lân cận của chúng ta cũng như trên toàn cầu”, bà Leyen nói.
Một trọng tâm mới khác trong đàm phán về khí hậu toàn cầu mà các nhà lãnh đạo tham dự COP28 đang hướng tới là việc các quỹ từ thiện có kế hoạch dành 450 triệu USD hỗ trợ các nỗ lực cắt giảm khí methane - loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 hiện nay.
Để đạt được tham vọng chung về khí hậu toàn cầu, COP 28 cũng đề cao vai trò quan trọng của việc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa xanh của châu Phi. Tại cuộc đàm phán trong khuôn khổ COP 28 có sự tham dự của các nhà lãnh đạo châu Phi, Sáng kiến Công nghiệp Xanh Châu Phi vừa được ra mắt, nhằm mục đích đẩy nhanh và mở rộng quy mô các ngành công nghiệp và doanh nghiệp xanh trên khắp châu Phi, đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế xanh trên lục địa này.
Nhiều thông điệp đáng chú ý vừa được đưa ra tại COP 28. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva thúc giục các chính phủ loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch để đẩy nhanh các mục tiêu khử carbon. Đại diện IMF cũng kêu gọi khu vực tư nhân tăng cường đầu tư vào các dự án giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt ở các nước đang phát triển, cho rằng khu vực tư nhân sẽ cần phải bơm khoảng 80-90% các khoản đầu tư cần thiết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Ai Cập Yasmine Fouad tuyên bố, các nước đang phát triển cần 160 tỷ USD hàng năm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là mức tăng đáng kể so với con số 22 tỷ USD hiện đang được cung cấp.
Giới quan sát nhìn nhận, thách thức đối với COP28 là rất đáng kể và đã đến lúc thế giới phải nghiêm túc đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện các nội dung của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hiện được xem là thời điểm quyết định để các bên thực hiện các cam kết về khí hậu nhằm giảm nhẹ tác động của một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nhấn mạnh: “Trên khắp thế giới, chúng ta phải chứng kiến các cộng đồng đang bị hạn hán, lũ lụt cuốn trôi hay bão tàn phá. Cháy rừng và nước biển dâng cũng đang đe dọa cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người. Sự cấp bách của thời điểm này là rõ ràng. Đồng hồ đã điểm. Và chúng ta phải bù đắp thời gian đã lãng phí”.
Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber kêu gọi các bên tiếp tục đưa ra cam kết tham vọng hơn, hành động quyết đoán hơn và đoàn kết vì mục tiêu chung là bảo đảm một tương lai bền vững cho cả hành tinh. COP28 chính là cơ hội để biến các kế hoạch thành hành động, tạo ra bước đột phá trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.