COP15 bế mạc với thỏa thuận tham vọng về bảo tồn đa dạng sinh học
VOV.VN - Kết quả lớn nhất đạt được tại hội nghị là các bên đã thông qua thỏa thuận “Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh- Montreal”, để giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học và khôi phục hệ sinh thái tự nhiên.
Thỏa thuận “Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal”, bao gồm 4 mục tiêu và 23 chỉ tiêu cần đạt được vào năm 2030. Trong số các mục tiêu toàn cầu này có việc bảo tồn và quản lý hiệu quả ít nhất 30% diện tích các khu vực trên cạn, vùng nước nội địa, ven biển và biển, đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng đối với đa dạng sinh học, các chức năng và dịch vụ của hệ sinh thái. Thỏa thuận cũng bao gồm cam kết huy động ít nhất 200 tỷ USD mỗi năm từ nguồn công và tư để tài trợ cho thiên nhiên và giảm các khoản trợ cấp có hại cho thiên nhiên ít nhất 500 tỷ USD vào năm 2030.
Sở dĩ thỏa thuận có tên gọi “Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal” là bởi Trung Quốc mới chính là Chủ tịch của COP15. Tuy nhiên, hội nghị lần này được chuyển đến tổ chức ở Canađa do các hạn chế liên quan đến dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Do đó, thỏa thuận sẽ được đặt tên là Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal theo tên hai thành phố chủ nhà.
Thỏa thuận được thông qua sau gần hai tuần đàm phán giữa 196 quốc gia tham gia công ước đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc. Các bên đang tìm kiếm một thỏa thuận mới để ngăn chặn sự tàn phá thiên nhiên của con người và bắt đầu khôi phục lại những gì đã mất.
Theo Liên Hợp Quốc, 3/4 diện tích đất đai trên thế giới đã bị thay đổi bởi các hoạt động của con người và hậu quả là một triệu loài đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong thế kỷ này. Nếu không có những giải pháp cấp bách trong 10 năm hướng tới việc bảo vệ rừng, đại dương và các sinh vật trên khắp hành tinh, tương lai của hành tinh sẽ gặp nguy và các hoạt động của con người gây phá hủy môi trường sống, ô nhiễm và dẫn tới cuộc khủng hoảng khí hậu đang đe dọa đẩy hàng triệu loài động, thực vật tới nguy cơ tuyệt chủng.
Đánh giá cao về việc thỏa thuận được thông qua, tại cuộc họp báo sau hội nghị, Bộ trưởng Môi trường và Sinh thái Trung Quốc Hoàng Nhuận Thu nhấn mạnh: “Hôm nay là một thời khắc lịch sử khi kết thúc một hành trình dài. Cuối cùng chúng ta cũng đến đích. Chúng ta đã thông qua được khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal và khung giám sát liên quan của thỏa thuận”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ngay trong buổi họp báo cuối cùng của năm cũng lên tiếng hoan nghênh tín hiệu tích cực được phát đi từ hội nghị COP15: “Các đại biểu tại Hội nghị đa dạng sinh học COP 15 của Liên Hợp Quốc ở Montreal đã đồng ý về Khung đa dạng sinh học toàn cầu mới. Cuối cùng thì chúng ta cũng bắt đầu thiết lập một hiệp ước hòa bình với thiên nhiên. Khuôn khổ này là một bước quan trọng đối với chính sách ngoại giao quyết tâm và tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện.
Giới chuyên gia và các nhà hoạt động vì môi trường cũng đánh giá cao thỏa thuận đạt được tại COP15. Giám đốc tổ chức “Chiến dịch vì Thiên nhiên” (Campaign for Nature), Brian O'Donnell, cho biết thỏa thuận này sẽ là cam kết lớn nhất thế giới về bảo tồn đa dạng sinh học. Trong khi Chuyên gia Eddy Perez thuộc tổ chức Mạng lưới Hành động Khí hậu Canada (Climate Action Network Canada) mô tả đây là thỏa thuận “đầy tham vọng” nhằm gây áp lực lên các quốc gia phát triển về mặt tài chính trong việc hỗ trợ các nước nghèo trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. /.