COP26: Lãnh đạo thế giới kêu gọi hành động khẩn cấp để cứu trái đất trước khi quá muộn
VOV.VN - Ngay trong phần mở đầu bài phát biểu tại COP26, Thủ tướng nước chủ nhà Anh Boris Johnson đã dùng những lời lẽ vô cùng nặng nề để nói về thách thức biến đổi khí hậu mà nhân loại đang phải đối mặt.
Trong ngày hoạt động chính thức đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland – Vương quốc Anh, hầu hết lãnh đạo các nước trên thế giới đều kêu gọi cộng đồng quốc tế phải hành động khẩn cấp nếu không sẽ không thể vãn hồi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ngay trong phần mở đầu bài phát biểu tại COP26, Thủ tướng nước chủ nhà Anh Boris Johnson đã dùng những lời lẽ vô cùng nặng nề để nói về thách thức biến đổi khí hậu mà nhân loại đang phải đối mặt, khi cho rằng đồng hồ đang đếm ngược với nhân loại và sự kiên nhẫn cũng như tức giận của công dân toàn cầu sẽ sớm không thể kiềm chế nổi sau bao năm chỉ toàn các lời nói suông mà thiếu hành động thực chất từ các quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Ông Boris Johnson cũng cho rằng, nếu các quốc gia thất bại trong hành động bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu vào thời điểm hiện tại thì sẽ bị các thế hệ tương lai phán xét một cách nghiệt ngã và không tha thứ.
“Các thế hệ tương lai sẽ biết rằng Glasgow là thời điểm bước ngoặt của lịch sử khi lịch sử sang trang thất bại. Thế hệ tương lai sẽ phán xét chúng ta với tất cả sự cay đắng và phẫn nộ và họ đúng. Hội nghị COP26 lần này sẽ không thể, và không được phép là dấu hết cho câu chuyện về biến đổi khí hậu”, ông Boris Johnson nói.
Chung quan điểm với Thủ tướng Anh, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định, việc nhân loại quá lạm dụng nhiên liệu hóa thạch đang đẩy trái đất đến bờ vực và nếu không ngay lập tức chấm dứt việc đối xử thô bạo với thiên nhiên, chấm dứt việc khai thác dầu mỏ, than đá… quá mức thì nhân loại đang đào mồ chôn chính mình.
Là một trong những diễn giả được chờ đợi tại Hội nghị COP26, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã có bài phát biểu đánh giá biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa sống còn với toàn thể nhân loại và càng chậm trễ hành động, cái giá mà nhân loại phải trả càng cao hơn. Ông Biden cũng đã xin lỗi về việc người tiền nhiệm của mình là cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận Paris 2015. Mỹ hiện là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.
Tại Thượng đỉnh COP26 lần này, sự vắng mặt của nguyên thủ các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Brazil… gây ra nhiều tranh cãi bởi các nhà hoạt động môi trường lo ngại sự thiếu vắng này sẽ tác động tiêu cực đến kết quả của COP26. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng gián tiếp chỉ trích những sự vắng mặt này, đồng thời kêu gọi dành sự giúp đỡ ưu tiên cho những quốc đảo nhỏ, những cộng đồng thổ dân cũng như các vùng lãnh thổ chịu tác động lớn nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong ngày họp chính thức đầu tiên, COP26 cũng đã ghi nhận một vài cam kết đáng chú ý, đặc biệt từ Ấn Độ, một trong những nước có lượng phát thải khí C02 cao nhất thế giới. Phát biểu tại COP26, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, Ấn Độ cam kết sẽ đạt mức trung hòa carbon vào năm 2070. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đưa ra 5 cam kết khác, như việc sản xuất thêm 500GW điện từ năng lượng không hóa thạch vào năm 2030, cũng như giảm tỷ lệ điện than trong nền kinh tế nước này từ mức 70% hiện nay xuống còn 45% vào năm 2030./.