COP26: Bài toán khó của Biden khi muốn Mỹ dẫn đầu cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

VOV.VN - Tham vọng của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc dẫn đầu thế giới chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ được thể hiện trong tuần này khi ông đến Scotland tham dự các cuộc đàm phán quan trọng về khí hậu.

Mục tiêu của Mỹ tại COP26

Đây là thời điểm quan trọng, không chỉ đối với Tổng thống Biden mà còn đối với thế giới khi không còn nhiều thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng như hiện nay.

Ông Biden đang tham gia Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland, với thông điệp khẩn cấp về khí hậu và ông hy vọng sẽ đưa ra một kế hoạch đủ thuyết phục để thực hiện lời hứa cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ cho đến năm 2030.

Một ngày trước khi Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 bắt đầu, các nhà lãnh đạo nhóm G20 tại Rome, Italy đã cam kết khống chế mức tăng nhiệt độ Trái đất ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Thách thức của ông Biden trong tuần này là thuyết phục các nhà lãnh đạo đồng cấp rằng Mỹ sẽ tiếp tục cam kết đối với các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và khuyến khích các quốc gia nỗ lực nhiều hơn nữa.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry bày tỏ lạc quan rằng hội nghị này có thể đạt được “tiến bộ to lớn” và “đây là thập niên mang tính quyết định”.

Xuất hiện tại Hội nghị COP26, Mỹ sẽ bao gồm các thành viên trong nội các, hàng chục thành viên Quốc hội và cả cựu Tổng thống Barack Obama. Các quan chức cho biết, đây là thời điểm mà Mỹ không chỉ phải thể hiện các cam kết và hành động tích cực của mình mà còn tận dụng cơ hội để dẫn đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ông Kerry đưa ra 4 mục tiêu chính của Mỹ tại cuộc đàm phán ở Scotland, đó là nâng cao tham vọng về việc kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, kêu gọi các nước cam kết hành động trong thập kỷ này, thúc đẩy các nỗ lực về tài chính, và hoàn tất các cuộc đàm phán thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tổng thống Biden đã từng hy vọng sẽ đến Glasgow sau khi thông qua một gói chi tiêu bao gồm khoản đầu tư lớn nhất từ ​​trước đến nay của Mỹ trong việc chống biến đổi khí hậu, một tín hiệu cho thế giới biết rằng ông nghiêm túc về việc hạn chế phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, ông Biden chưa đạt được điều đó và chỉ đưa ra một khung kế hoạch trong vài giờ trước khi khởi hành đến châu Âu vào tuần trước.

Ngay cả khi kế hoạch “Xây dựng lại tốt hơn” do Tổng thống Biden công bố bị cắt giảm từ 3,5 nghìn tỷ USD xuống còn 1,75 nghìn tỷ USD, khoản kinh phí lớn nhất trong gói này trị giá 555 tỷ USD được chi cho đầu tư năng lượng sạch vẫn được giữ nguyên.

Những tham vọng của Washington

Cựu đặc phái viên về khí hậu Mỹ Todd Stern, người từng phục vụ trong chính quyền ông Obama, nói rằng: “Mỹ đang tới Glasgow với một vị thế khá vững chắc và một mục tiêu rất rõ ràng. Gói 555 tỷ USD là dự luật về biến đổi khí hậu lớn nhất từ ​​trước đến nay”.

Tuy nhiên, một số thượng nghị sĩ chủ chốt đã không ủng hộ dự luật, nghĩa là vẫn có thể có một số điều chỉnh vào phút chót.

Các quan chức cho rằng, tất cả các cuộc thảo luận chính trị trong nước về kế hoạch mà ông Biden đưa ra là bằng chứng cụ thể về cam kết khí hậu của Mỹ.

Tổng thống Biden hy vọng sẽ có các cam kết bền vững hơn về chống biến đổi khí hậu như một phần của kế hoạch chi tiêu mới nhưng vẫn dựa vào quy trình xây dựng quy tắc cho các hạng mục khác như cắt giảm khí thải metan.

Ngoài chương trình nghị sự về khí hậu của Tổng thống Biden, chính quyền của ông cũng dự kiến ​​sẽ sớm triển khai một số hành động và các quy định liên bang để hạn chế phát thải khí nhà kính từ các nhà sản xuất dầu khí và nhà máy điện.

Chính quyền ông Biden đang đặt trọng tâm vào việc cắt giảm lượng khí thải metan cả trong và ngoài nước, với hy vọng sẽ giúp hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở 1,5 độ C, mức độ các nhà khoa học cho rằng giúp tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Ngoài các quy định sắp tới về khí metan của Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ, chính quyền ông Biden cùng với Liên minh châu Âu cũng đang yêu cầu các nước ký vào Cam kết về khí metan toàn cầu để giảm phát thải khí metan xuống 30% vào cuối thập kỷ này.

Trung Quốc, Nga vắng mặt sẽ tạo cơ hội cho Mỹ?

Những thách thức trong việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đã được đưa ra trong tuần này tại G20, nơi ông Biden đã khuyến khích các quốc gia sản xuất năng lượng tăng nguồn cung khi giá khí đốt ở Mỹ tăng.

Các quan chức cho biết yêu cầu này chỉ là ngắn hạn và ông Biden sẽ không thu hẹp cam kết chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh.

Trong tuần này, G20 đã thể hiện những tham vọng khác về chống biến đổi khí hậu. Trong khi các nhà lãnh đạo lần đầu tiên tán thành sự cần thiết phải giữ nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C, họ không nói rõ sẽ đạt được điều đó như thế nào. Trong khi cam kết chấm dứt tài trợ quốc tế cho các dự án than, các nhà lãnh đạo không đề cập đến việc chấm dứt sử dụng than trong nước.

Về phía Tổng thống Biden, ông bày tỏ sự hào hứng trước kết quả của Hội nghị thượng đỉnh G20 nhưng cho biết việc thực hiện cam kết sẽ tùy thuộc vào mỗi quốc gia.

“Hãy xem các quốc gia sẽ thực hiện cam kết như thế nào. Tôi nghĩ bạn sẽ thấy Mỹ đã đạt được những tiến bộ đáng kể, nhưng điều đó sẽ yêu cầu chúng tôi tiếp tục tập trung vào những điều Trung Quốc, Nga và Saudi Arabia đang không thực hiện”, ông Biden nói.

Tại Hội nghị COP26, giống như Hội nghị G20, những nhân vật chủ chốt như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman sẽ vắng mặt. Ông Kerry đã thúc đẩy sự tham gia của các quốc gia này, bất chấp mối quan hệ căng thẳng của họ với Washington, cho rằng khí hậu là một lĩnh vực ngay cả các đối thủ cũng phải hợp tác.

Ngày 31/10, Tổng thống Biden bày tỏ sự thất vọng khi các nước như Trung Quốc và Nga không xuất hiện tại các hội nghị thượng đỉnh quốc tế trong tuần này.

“Sự thất vọng liên quan đến thực tế là Nga và Trung Quốc không thể hiện bất kỳ cam kết nào để đối phó với biến đổi khí hậu. Có lý do để người ta nên thất vọng vì điều ấy, tôi cũng thấy điều đó đáng thất vọng”, ông Biden nói trong một buổi họp báo cuối hội nghị thượng đỉnh G20 vừa được tổ chức cuối tuần qua tại Rome.

Một số quan chức cho rằng, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt ở cả hai hội nghị thượng đỉnh G20 và COP26 được coi là một cơ hội cho Mỹ.

Các quan chức chính quyền ông Biden đang lên kế hoạch tận dụng sự vắng mặt của Trung Quốc để thúc đẩy một kế hoạch tài chính mới mà Tổng thống Mỹ và đội ngũ của ông coi là rất quan trọng để thách thức sự ảnh hưởng đang gia tăng của Bắc Kinh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

COP26 khai mạc với nỗi lo ngày càng lớn về một hội nghị thất bại
COP26 khai mạc với nỗi lo ngày càng lớn về một hội nghị thất bại

VOV.VN - Theo ông Boris Johnson, những cam kết mà các nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa đạt được tại Thượng đỉnh G20 vừa kết thúc tại Italia là một sự khích lệ nhưng tham vọng mà G20 đưa ra là chưa đủ.

COP26 khai mạc với nỗi lo ngày càng lớn về một hội nghị thất bại

COP26 khai mạc với nỗi lo ngày càng lớn về một hội nghị thất bại

VOV.VN - Theo ông Boris Johnson, những cam kết mà các nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa đạt được tại Thượng đỉnh G20 vừa kết thúc tại Italia là một sự khích lệ nhưng tham vọng mà G20 đưa ra là chưa đủ.

Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu phủ bóng hội nghị khí hậu COP26
Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu phủ bóng hội nghị khí hậu COP26

VOV.VN - Một số nhà phân tích cho rằng, COP26 sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo châu Âu nhìn nhận những sai lầm của mình và rút ra bài học kinh nghiệm khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.

Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu phủ bóng hội nghị khí hậu COP26

Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu phủ bóng hội nghị khí hậu COP26

VOV.VN - Một số nhà phân tích cho rằng, COP26 sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo châu Âu nhìn nhận những sai lầm của mình và rút ra bài học kinh nghiệm khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.

EU công bố cam kết cụ thể trước thềm Thượng đỉnh khí hậu COP26
EU công bố cam kết cụ thể trước thềm Thượng đỉnh khí hậu COP26

VOV.VN - Ủy ban châu Âu đặt ra và muốn thuyết phục các nước, đến năm 2030 cắt giảm ít nhất 30% lượng phát thải khí metan so với mức của năm 2020.

EU công bố cam kết cụ thể trước thềm Thượng đỉnh khí hậu COP26

EU công bố cam kết cụ thể trước thềm Thượng đỉnh khí hậu COP26

VOV.VN - Ủy ban châu Âu đặt ra và muốn thuyết phục các nước, đến năm 2030 cắt giảm ít nhất 30% lượng phát thải khí metan so với mức của năm 2020.