Cuộc chiến chống IS có thực sự hiệu quả như Mỹ tuyên bố?
VOV.VN - Chỉ huy chiến dịch chống IS của liên quân do Mỹ dẫn đầu, Trung tướng Sean MacFarland khẳng định IS đang suy yếu cả về số lượng và chất lượng.
Điều đó khiến cho lực lượng này bị đánh bật khỏi các vùng lãnh thổ từng chiếm đóng tại Syria và Iraq và có thể sớm dẫn đến việc kết thúc chiến dịch tiêu diệt IS. Tuy nhiên, thực tế chiến dịch chống khủng bố mà Mỹ và nước liên quân đang tiến hành hiệu quả đến đâu?
IS dù suy yếu tại Syria và Iraq nhưng lại đang lan rộng ra khắp thế giới. Ảnh Reuters
Hiệu quả nếu chỉ xét từ con số
Tướng MacFarland cho biết, ước tính trong hơn 11 tháng qua, liên quân đã tiêu diệt khoảng 25.000 chiến binh đối phương, cộng thêm 20.000 tên bị tiêu diệt trước đó, tổng cộng liên quân đã "xóa sổ" 45.000 phiến quân khỏi cuộc chiến.
Ông MacFarland cũng cho biết quân số còn lại của IS ước tính khoảng từ 15.000 đến 30.000 tay súng và tổ chức này đang ngày càng khó bổ sung thêm quân. Ông MacFarland bày tỏ lạc quan về triển vọng với sự hỗ trợ của liên quân, quân đội Chính phủ Iraq sẽ giành lại thành phố Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria từ tay IS và nhấn mạnh đây sẽ là “khởi đầu cho sự kết thúc” chiến dịch tiễu trừ IS.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tuyên bố, Mỹ và liên quân chống khủng bố đã đạt được những bước tiến lớn trong chiến dịch quân sự nhằm vào IS, mặc dù nhóm này vẫn có khả năng tiến hành hoặc lên kế hoạch các vụ tấn công:
“Ở cả Iraq và Syria, IS vẫn chưa thể lấy lại được những lãnh thổ quan trọng mà chúng từng chiếm giữ. Tôi muốn nhắc lại rằng, IS đã không có những chiến dịch lớn và hiệu quả cả ở Syria và Iraq trong vòng 1 năm qua. Ngay cả chính những thủ lĩnh của IS cũng biết là chúng sẽ tiếp tục bị thất bại”, ông Obama nói.
IS đang lan rộng trên toàn cầu
Tuy nhiên, giới phân tích đặt câu hỏi, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu thực sự hiệu quả đến đâu khi nhìn vào những cuộc tấn công khủng bố mà nhiều nước đang phải gánh chịu?
Sự thất bại trên mặt trận tại Trung Đông đang khiến IS điên cuồng đáp trả bằng những vụ tấn công khủng bố tại nhiều nơi trên thế giới, từ châu Âu đến châu Á. Ban đầu là những vụ tấn công nhằm vào nhiều địa điểm cùng một lúc như ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái hay Brussels hồi tháng 3 năm nay, cho tới cả những vụ tấn công kiểu sói đơn độc gần đây tại Pháp, Bỉ và Đức…
Không dừng lại ở châu Âu, IS còn chuyển hướng mục tiêu sang cả châu Á. Bằng chứng là loạt vụ tấn công ở Jakarta, Indonesia hồi tháng 1 năm nay, cùng một số vụ tấn công đơn lẻ khác ở Malaysia và mới đây nhất là âm mưu tấn công vịnh Marina của Singapore nhưng đã bị giới chức Indonesia ngăn chặn.
Châu Phi cũng không nằm ngoài tầm ngắm của IS. Nhật báo Assabah của Morocco mới đây trích dẫn một báo cáo của tình báo Anh cho biết, IS đã quyết định chuyển hướng tới Tây Phi thông qua Algeria, biến Morocco trở thành mục tiêu tấn công trong thời gian tới.
Chiến lược của IS là tấn công và triển khai lực lượng tại khu vực Sahel và Morocco, nhất là phía Bắc Morocco vì khu vực đó có thể giúp IS tấn công khủng bố vào các nước châu Âu. Bên cạnh đó, hiện phần lớn các chiến binh của IS đều là người Morocco, Tunisia, Algeria, Moritani và Cộng hòa Chad.
IS bị đẩy lùi tại mặt trận Trung Đông nhưng chúng lại chuyển hướng sang các khu vực khác với những cách thức tấn công ngày càng kiểm soát. Các chiến dịch do Mỹ tiến hành có thể đẩy lùi IS ngoài mặt trận nhưng không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Cuộc chiến này chỉ thành công và hiệu quả khi những kẻ khủng bố không thể hoạt động ở bất cứ đâu trên thế giới, dù châu Mỹ, châu Âu, châu Á, Trung Đông hay châu Phi./.