Cuộc chiến chống khủng bố đang kéo Philippines trở lại với Mỹ?
VOV.VN - Trước sức ép vì bạo lực gia tăng trong nước ông Duterte có thể tiếp tục cần sự hỗ trợ tích cực hơn từ Mỹ.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 26/5 kêu gọi các nhóm vũ trang Hồi giáo từ bỏ những hành động thù địch và bắt đầu đối thoại. Đây là nỗ lực của ông Duterte nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực đang gia tăng tại thành phố phía nam Marawi (Mindanao, Philippines).
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Philippine Daily Inquirer. |
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Duterte cho rằng, việc xuất hiện công dân nước ngoài trong nhóm phiến quân Hồi giáo đang cố thủ tại thành phố Marawi là minh chứng rõ ràng về việc có sự tham gia của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại khu vực này. Ông Duterte cũng cho biết sẵn sàng đối thoại với các tay súng phiến quân.
“IS đã xuất hiện ở đây”, ông nói. “Thông điệp chính của tôi tới các nhóm vũ trang đó là chúng ta có thể giải quyết những vấn đề này thông qua đối thoại. Tuy nhiên, nếu tình hình giao tranh không chấm dứt, quân đội Philippines sẽ tiếp tục các chiến dịch tấn công và truy quét.”
Tuyên bố của Tổng thống Duterte được đưa ra trong bối cảnh tình hình giao tranh tại Marawi vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Trước đó, ông Duterte đã quyết định thiết quân luật trên đảo Mindanao nhằm đối phó với tình trạng bạo lực bắt đầu bùng phát tại đây từ hôm 23/5.
Hiện có nhiều cảnh báo IS đang tiến hành ý đồ biến Mindanao trở thành cứ điểm hoạt động ở Đông Nam Á, nhưng một số chuyên gia phân tích quân sự bác bỏ ý tưởng này, vì cho rằng IS đang phải đối mặt với sức ép gia tăng quân sự của Mỹ và các đồng minh tại Iraq và Syria. Chân rết của IS ở Philippines chiếm thành phố đầu tiên
Zachary M. Abuza -chuyên gia phân tích các vấn đề an ninh khu vực Đông Nam Á tại Mỹ cho rằng, Đông Nam Á chưa bao giờ là ưu tiêu của IS. Hiện IS còn đang tập trung vào sự sống còn trong cuộc chiến tại Iraq và Syria, hay ít nhất là cố gắng không để mất thêm bất cứ khu vực lãnh thổ nào nữa.
Ngoài ra, Maute là một nhóm vũ trang nhỏ tại Philippines và quân đội nước này có thể dễ dàng đối phó. Mặc dù nhóm này đã thề trung thành với IS, nhưng đến thời điểm này, không có bằng chứng nào cho thấy Maute nhận được bất kỳ nguồn hỗ trợ nào từ IS.
Tình trạng bạo lực tại khu vực miền Nam Philippines và các vụ đánh bom liều chết tại Indonesia trong tuần này cũng cho thấy những thách thức không nhỏ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố của Philippines nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Đảm bảo an ninh tại Mindanao được cho là sẽ định hình các chính sách trong nước của ông Duterte, ít nhất là trong ngắn hạn, chuyển đổi từ cuộc chiến chống ma túy sang chống chủ nghĩa khủng bố, cũng như thay đổi cục diện mối quan hệ giữa Philippines và đồng minh quan trọng Mỹ.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines bị đình trệ dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barak Obama. Tổng thống Duterte luôn khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, hướng đến Trung Quốc và Nga, đồng thời cảnh báo trục xuất lực lượng đặc nhiệm Mỹ khỏi Mindanao.
Tuy nhiên, với cuộc chiến chống khủng bố là mục tiêu mới hiện nay, ông Duterte có thể sẽ phải sẵn sàng hợp tác với Mỹ. Giáo sư trường đại học De La Salle tại Manila Richard Javad Heydarian cho rằng, Tổng thống Duterte đang bị sức ép gia tăng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại quê hương Mindanao và ông có thể cần nhận sự trợ giúp nhiều hơn từ Mỹ./. Mỹ - Trung cam kết hỗ trợ Philippines chống IS