Cuộc chiến khí đốt Nga - Ukraine chưa có hồi kết

Theo thông báo của 4 nước Đông Âu, việc Nga ngừng hoàn toàn cung cấp khí đốt cho Ukraine làm giảm 30% nguồn cung khí đốt từ Nga tới châu Âu.

Cuộc chiến khí đốt Nga - Ukraine trong những ngày đầu năm mới vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, thậm chí ngày càng gia tăng nguy cơ lặp lại kịch bản năm 2006 khi châu Âu rơi vào tình trạng thiếu khí đốt trong mùa đông giá rét do Nga cắt nguồn cung ứng khí đốt cho Ukraine.

Theo thông báo của 4 nước Đông Âu (gồm Bulgaria, Ba Lan, Romania và Hungari), những quốc gia phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga, việc Nga ngừng hoàn toàn cung cấp khí đốt cho Ukraine, do bất đồng giữa hai bên về hợp đồng khí đốt mới, làm giảm 30% nguồn cung khí đốt từ Nga tới châu Âu đi qua lãnh thổ Ukraine.

Trước tình trạng này, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến yêu cầu tổ chức cuộc họp khẩn cấp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 5/1 nhằm yêu cầu các bên tôn trọng các hợp đồng vận chuyển và cung cấp khí đốt cho châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) cũng thúc giục hai bên sớm đạt được một thỏa thuận về khí đốt, nhưng khẳng định không có ý định can dự hoặc làm nhà trung gian hòa giải cho cuộc tranh cãi khí đốt giữa Nga và Ukraine.

Trước đó, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga ngày 3/1 thông báo đã quyết định phát đơn kiện Tập đoàn khí đốt quốc doanh Naftogaz của Ukraine nhằm đảm bảo rằng hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine tới Châu Âu không bị gián đoạn.

Thông báo của Gazprom viết: "Gazprom quyết định phát đơn kiện lên tòa án trọng tài ở Stockholm (Thụy Điển) để gây sức ép buộc Naftogaz phải bảo đảm rằng khí đốt của Nga được vận chuyển liên tục tới Châu Âu qua lãnh thổ Ukraine". Thông báo cho biết Gazprom sẽ đề nghị tòa án trọng tài ở Stockholm yêu cầu Naftogaz không được rút bớt lượng khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine.

Trong khi đó, Cộng hoà Czech, nước vừa đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), khẳng định EU không có ý định can dự hoặc làm trung gian hòa giải trong cuộc tranh cãi về khí đốt giữa Nga và Ukraine, song thúc giục hai bên sớm đạt được thỏa thuận cho vấn đề này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên