Cuộc gặp ba bên Trung Quốc-Nga-Ấn Độ tại G20 có ý nghĩa quan trọng
VOV.VN - Hiện cả ba nước đều đang gặp khó khăn trong quan hệ với Mỹ, đặc biệt là về kinh tế và thương mại.
Trung Quốc, Nga và Ấn Độ sẽ tổ chức cuộc gặp cấp cao ba bên trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Quan chức Trung Quốc hôm nay (24/6) nhấn mạnh, cuộc gặp lần này mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Cuộc gặp giữa lãnh đạo ba nước Trung Quốc, Nga và Ấn Độ là một trong những hoạt động ngoại giao song phương và đa phương của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tổ chức tại Nhật Bản.
Từ trái sang: Thủ tướng Ấn Độ Modi, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Telangara Today. |
Cuộc gặp lần này được thực hiện sau các cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch Trung Quốc với Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ Modi tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 19 và Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ năm về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) lần thứ 5 chỉ hơn 1 tuần.
Ông Trương Quân, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đánh giá, quan hệ giữa Trung Quốc với Nga và Ấn Độ đang trên đà cải thiện và phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, cuộc gặp lần này mang ý nghĩa quan trọng.
Ông cho biết, cơ chế gặp gỡ ba bên Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đang duy trì xu thế phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo ba nước thường xuyên trao đổi chặt chẽ. Trước tình hình hiện nay, việc tăng cường sự phối hợp giữa ba nước trong các vấn đề lớn mang tính toàn cầu, cùng hợp sức bảo vệ chủ nghĩa đa phương, phản đối chủ nghĩa bảo hộ, làm sâu sắc hơn hợp tác ba bên trong các sự vụ quốc tế đa phương mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Ông cũng khẳng định, Trung Quốc tin tưởng cuộc gặp sẽ đạt được kết quả tích cực.
Được biết, cơ chế gặp gỡ cấp cao ba bên Trung Quốc, Nga, Ấn Độ được thực hiện cách đây 13 năm. Sau thời gian dài gián đoạn, năm ngoái, bên lề hội nghị cấp cao của nhóm G20 ở Argentina, cơ chế này được vận hành trở lại, ở Osaka (Nhật Bản) sẽ là lần thứ 3.
Hiện cả ba nước đều đang gặp khó khăn trong quan hệ với Mỹ, đặc biệt là về kinh tế và thương mại, và tình trạng này nhiều khả năng sẽ còn dai dẳng, do vậy cuộc gặp giữa lãnh đạo ba nước tại Hội nghị G20 nhận được sự quan tâm lớn của dư luận./.