Cảm động chuyện tình Việt - Triều: Yêu thương vượt thời gian, cách trở
VOV.VN - "Ngay khoảnh khắc nhìn thấy ông ấy, tôi đã rất buồn bởi tôi hiểu rõ rằng đó sẽ là một tình yêu không bao giờ được chấp nhận".
Đã 31 năm trôi qua kể từ ngày ông Phạm Ngọc Cảnh, nay đã 69 tuổi chụp bức ảnh đầu tiên với bà Ri Yong Hui, trước khi hai người chính thức được phép kết hôn năm 2002, vào thời điểm Triều Tiên hiếm khi cho phép một người ngoại quốc kết hôn với công dân nước này.
Ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Hui cầm bức ảnh đầu tiên hai người chụp chung với nhau vào mùa xuân năm 1971 tại ngôi nhà của họ ở Hà Nội ngày 12/2/2019. Ảnh: Reuters |
"Ngay khoảnh khắc nhìn thấy ông ấy, tôi đã rất buồn bởi tôi hiểu rõ rằng đó sẽ là một tình yêu không bao giờ được chấp nhận", bà Ri, 70 tuổi kể lại với phóng viên trong một căn nhà nhỏ mà bà và ông Cảnh chung sống với nhau tại Hà Nội.
Cả hai người đều hy vọng rằng Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội sẽ chấm dứt sự thù địch với Bình Nhưỡng.
"Nếu là một người Triều Tiên, bạn sẽ vô cùng mong muốn vấn đề này được giải quyết. Nhưng chính trị thì rất phức tạp. Khi mọi người lần đầu nghe tới việc ông Kim Jong Un sẽ gặp ông Trump, họ rất mong mỏi sẽ sớm được đoàn tụ. Nhưng thật khó để giải quyết mọi thứ trong ngày một, ngày hai. Tôi hy vọng mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ", bà Ri chia sẻ.
Yêu từ cái nhìn đầu tiên
Quay trở về thời điểm năm 1967, khi Việt Nam và Mỹ vẫn còn trong chiến tranh, Cảnh là một trong 200 sinh viên Việt Nam được cử tới Triều Tiên để trau dồi các kỹ năng cần thiết nhằm phục vụ quá trình tái thiết đất nước khi chiến tranh qua đi.
Một vài năm sau, khi đang thực tập về ngành cơ khí hóa chất tại một nhà máy phân bón ở bờ biển phía đông Triều Tiên, Cảnh đã gặp Ri đang làm việc trong một phòng thí nghiệm.
"Tôi tự nhủ với bản thân rằng mình phải cưới cô gái đó", ông Cảnh nhớ lại khoảnh khắc đã thu hết dũng khí để tiếp cận Ri và hỏi địa chỉ của cô gái Triều Tiên.
Ri nhớ lại bạn bè của bà đã nói rằng có một người Việt Nam đang làm việc trong nhà máy này trông rất giống bà và điều ấy khiến bà vô cùng tò mò.
"Chỉ vừa mới nhìn, tôi đã biết đó là chàng trai ấy. Anh ta trông vô cùng đẹp trai", bà Ri kể lại khoảnh khắc lần đầu tiên gặp “một nửa” của cuộc đời mình.
"Thậm chí sau này, mỗi khi nhìn thấy những anh chàng được cho là đẹp trai, tôi vẫn không cảm thấy gì, nhưng ngay khi anh Cảnh mở cửa, trái tim tôi đã loạn nhịp".
Dù vậy, cả hai người đều phải đối mặt với nhiều thách thức. Ở Triều Tiên và cả ở Việt Nam vào thời điểm đó, các mối quan hệ với những người nước ngoài đều bị ngăn cấm nghiêm ngặt.
Vượt qua ngăn cấm
Sau khi hai người trao đổi thư từ một vài lần, Ri đã đồng ý để Cảnh thăm nhà cô.
Cảnh phải vô cùng cẩn trọng bởi một người bạn Việt Nam của anh đã bị đánh sau khi bị bắt gặp qua lại với một cô gái địa phương.
Trong trang phục của Triều Tiên, chàng trai người Việt phải đi xe bus trong 3 giờ rồi đi bộ 2km để tới nhà Ri và hành trình này vẫn tiếp tục trong nhiều tháng sau đó cho tới khi anh quay trở về Việt Nam năm 1973.
"Tôi đến nhà cô ấy một cách bí mật, giống như là đánh du kích ấy", ông Cảnh nhớ lại.
Trở về Hà Nội, Cảnh vẫn không ngừng nghĩ về cô gái Triều Tiên mà anh thương nhớ. 5 năm sau, vào năm 1978, trường đại học của Cảnh tổ chức một chuyến đi tới Triều Tiên. Chàng thanh niên đã tham gia và cố gắng để được gặp Ri. Dù vậy, mỗi lần hai người gặp nhau, Ri đều nói rằng điều này khiến cô càng thêm đau lòng khi nghĩ đến việc họ có thể không bao giờ gặp lại.
Cảnh thậm chí có ý định mang theo một bức thư gửi tới nhà lãnh đạo Triều Tiên để xin phép cho hai người được cưới nhau.
"Khi nhìn thấy bức thư, cô ấy đã hỏi tôi rằng: ‘Này, đồng chí, anh định sẽ thuyết phục chính phủ nước em sao?’", ông Cảnh kể lại. Dù vậy, Cảnh cũng không gửi bức thư đó đi mà thay vào đó với Ri rằng cô hãy chờ anh.
Đám cưới
Vì những biến cố sau đó, hai người không còn viết thư cho nhau nữa.
"Mẹ tôi luôn khóc khi chăm sóc cho tôi. Tôi nghĩ, bà hiểu tôi đang tương tư", Ri kể lại.
Năm 1992, Cảnh một lần nữa xoay xở để tự mình tới Triều Tiên với tư cách là một phiên dịch viên cùng với một đoàn thể thao Việt Nam nhưng không thể gặp được Ri. Khi quay trở về Hà Nội, anh đã nhận được một bức thư từ Ri.
Cô ấy vẫn còn yêu anh.
Vào cuối những năm 1990, một phái đoàn Triều Tiên đã tới Hà Nội.
Cảnh vô cùng lo lắng cho Ri và gia đình cô nên anh đã vận động bạn bè quyên góp hàng tấn gạo gửi tới Triều Tiên.
Hành động đáng quý này của anh cuối cùng đã giúp anh và Ri đến được với nhau. Những người Triều Tiên hiểu thiện chí của Cảnh nên đã đồng ý để anh cưới Ri và hai người có thể lựa chọn sống ở cả 2 quốc gia, đồng thời vẫn cho phép Ri giữ quốc tịch Triều Tiên.
Năm 2002, hai người cuối cùng đã kết hôn với nhau tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bình Nhưỡng và bắt đầu một chương mới trong cuộc đời họ ở Hà Nội. "Cuối cùng, tình yêu đã chiến thắng tất cả", ông Cảnh nói./.
Các nước cam kết đóng góp cho thành công của Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2
Mỹ và Triều Tiên gấp rút chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh lần 2