Chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần từ Nam Cực
VOV.VN - Nhật thực toàn phần ngày 4/12 đã khiến bầu trời mùa hè tại Nam Cực chìm vào bóng tối. Chỉ có một số ít các nhà khoa học, chuyên gia và khách du lịch mạo hiểm được chứng kiến hiện tượng thiên văn này.
“Cảnh tượng thật rất tuyệt vời”, nhà khoa học Raul Cordero của Đại học Santiago de Chile (USACH) cho biết.
Ông Cordero là một trong số ít các nhà khoa học có mặt tại Nam Cực để chứng kiến nhật thực toàn phần lúc 7h46 (giờ GMT) ngày 4/12, trong đó với khoảnh khắc “vòng tròn lửa” chỉ kéo dài hơn 40 giây.
Hiện tại, Nam Cực đang là mùa hè, Mặt Trời gần như lúc nào cũng ở trên bầu trời.
Nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng di chuyển giữa Mặt Trời và Trái Đất, đổ bóng xuống Trái Đất. Nhật thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất thẳng hàng với nhau.
Nhật thực toàn phần lần này chỉ có thể quan sát ở Nam Cực. Chỉ có một số ít các nhà khoa học, chuyên gia và khách du lịch mạo hiểm - những người đã trả khoảng 40.000 USD cho chuyến đi đặc biệt, mới có thể quan sát hiện tượng thiên văn hiếm gặp này.
Nhật thực toàn phần được NASA phát trực tiếp từ trại Union Glacier ở Nam Cực. Nhật thực bắt đầu lúc 7h, kết thúc vào lúc 8h26 phút sáng theo giờ GMT.
Theo NASA, nhật thực một phần cũng có thể quan sát ở một số khu vực của bán cầu Nam, như Saint Helena, Namibia, Lesotho, Nam Phi, Chile, New Zealand và Australia.
Nhật thực toàn phần gần đây nhất ở Nam Cực diễn ra ngày 23/11/2003 và lần tiếp theo là năm 2039./.