NASA tìm thấy 9 hành tinh nghi có sự sống ngoài hệ Mặt Trời!
VOV.VN - NASA đã thông báo rằng các nhà khoa học phát hiện thêm 1.284 hành tinh mới nằm ngoài hệ Mặt Trời, trong đó ít nhất 9 hành tinh có sự sống.
Số lượng của các hành tinh mới được tìm thấy ngoài hệ Mặt trời đã tăng gấp đôi sau thông báo của NASA.
Kính thiên văn Kepler được phóng ra ngoài không gian từ tháng 5/2009 để tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.
Tính đến nay, tổng cộng đã có 21 hành tinh nằm trong “Vùng Goldilocks” qua sự tìm kiếm của Kepler. Những hành tinh được xếp nằm trong “Vùng Goldilocks” phải có nhiệt độ không được quá nóng, hoặc quá lạnh để có thể duy trì sự sống.
Hình mô phỏng kính thiên văn Kepler trong vũ trụ. Ảnh: NASA. |
Trong số 9 hành tinh mới hứa hẹn có sự sống, hành tinh được đặt tên là Kepler 1638b là đáng chú ý hơn cả.
Hành tinh này lớn hơn Trái Đất khoảng 60%, có quỹ đạo là 259 ngày. Nếu như hành tinh Kepler 1638 b được đặt trong hệ Mặt trời, vị trí của nó sẽ nằm giữa Trái Đất và Sao Kim.
Paul Hertz, Giám đốc bộ phận Vật lý thiên văn tại trụ sở NASA ở Washington, cho biết: "Một trong những câu hỏi lớn là liệu rằng chúng ta có cô đơn ở trong vũ trụ này hay không”.
Ông Paul Hertz tiếp tục: “Chúng ta đang sống trong một thời đại khi mà con người có thể trả lời được câu hỏi này một cách khoa học. Dấu hiệu đầu tiên của việc trả lời câu hỏi là việc tìm kiếm các hành tinh ngoại (các hành tinh nằm ngoài hệ Mặt Trời)”.
“Thông báo ngày hôm nay đã cho chúng ta biết thêm một số lượng các hành tinh ngoại đáng kể. Khi NASA quyết định phóng Kepler ra ngoài không gian, chúng ta đã không hề biết được rằng liệu các hành tinh ngoại có nhiều hay hiếm hoi.
Nhờ Kepler, giờ đây chúng ta đã biết được rằng số lượng các hành tinh ngoại là rất nhiều, phần lớn các ngôi sao trong ngân hà đều có một hệ hành tinh riêng của nó, và thậm chí một số hành tinh được tìm thấy có khả năng tồn tại sự sống”, ông Paul Hertz nhấn mạnh.
Được biết, sứ mệnh Kepler sẽ kết thúc vào năm tới và nó sẽ được thay thế bằng những kính thiên văn mới trong những năm tiếp theo.
Kính thiên văn James Webb dự kiến sẽ được phóng lên không gian vào năm 2018, với khả năng nghiên cứu chuyên sâu nhằm thu thập thêm thông tin về bầu khí quyển của các hành tinh, còn WFIRST sẽ theo dấu vết của các loại khí mà chứng minh được sự sống có thể tồn tại.
“Mục tiêu cuối cùng của đội nghiên cứu là phát hiện từ ánh sáng từ một hành tinh ngoại nào đấy nghi có sự sống và phân tích xem liệu hành tinh đấy có các loại khí như oxy, carbon dioxide, và methane hiện diện hay không, từ những khí này có thể biết được hệ sinh thái trên hành tinh được nghiên cứu”, ông Hertz cho biết thêm./.