Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ (2/4): “Tôi đặc biệt nhưng không khác biệt”
VOV.VN - Với chủ đề “Giáo dục hòa nhập chất lượng cho tất cả”, Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ năm nay kêu gọi các cộng đồng hay luôn yêu thương, thấu hiểu và đồng hành để trẻ tự kỷ có cơ hội hòa nhập và phát triển bản thân.
Trong thập kỷ qua, thế giới đã đạt được bước tiến lớn nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục nói chung, cũng như đối với những người mắc bệnh tự kỷ nói riêng.
Tuy nhiên, sự gián đoạn trong học tập do đại dịch COVID-19 đã làm đảo ngược những bước tiến đạt được trong nhiều năm và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ mắc tự kỷ đã bị ảnh hưởng một cách không cân đối bởi sự gián đoạn các thói quen, cũng như các dịch vụ và hỗ trợ mà các em dựa vào.
Paris Subriaya, 10 tuổi tại Ấn Độ được phát hiện mắc chứng tự kỷ từ khi 2 tuổi. Tuy nhiên cô bé lại rất có năng khiếu hội họa và thậm chí còn được đặc cách vào một trường cao đẳng mỹ thuật từ khi còn rất nhỏ.
Mẹ của Subriaya chia sẻ: “Nếu muốn mua gì, Subriaya sẽ vẽ món đồ đó ra giấy và đưa cho bố mẹ. Tất cả đều là những thứ mà bé từng thấy ở trung tâm thương mại nhưng không thể đưa ra yêu cầu bởi không biết nói. Lúc đầu tôi đã rất bất ngờ về khả năng của con bé, lúc đầu là những chú ngựa nhỏ và sau đó là những bộ cánh thời trang yêu thích”.
Không may mắn như Subriaya, cậu bé Wylie James Prescott, 3 tuổi phải đợi hơn 1 năm sau khi được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ mới có thể bắt đầu liệu pháp hành vi, mặc dù nghiên cứu cho thấy việc điều trị sớm rất quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của trẻ. Và một trong những lý do của sự chậm trễ này là đại dịch COVID-19. Tại Mỹ, khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây gần 2 năm, nhiều gia đình đã phải hủy bỏ các dịch vụ can thiệp sớm tại nhà vì sợ bị lây nhiễm, trong khi các dịch vụ trực tiếp lại không mấy hiệu quả đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
Không thể phủ nhận những nỗ lực nhiều năm qua của cộng đồng quốc tế trong việc kêu gọi tăng cường nhận thức của mọi người trên khắp thế giới về tự kỷ, một hội chứng rối loạn lan tỏa do bất thường của não bộ dẫn tới biểu hiện kém tương tác xã hội, bất thường về ngôn ngữ, giao tiếp và hành vi.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở nhận thức rõ ràng là chưa đủ vì những khó khăn, thách thức mà trẻ tự kỷ gặp phải cũng như những gia đình có con mắc hội chứng này là chồng chất và gia tăng theo thời gian do sự phát triển không đồng đều về thể chất và tinh thần.
Chia sẻ về hành trình cùng ăn, cùng ngủ và cùng sống với những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, chị Kim Stagliano, người Mỹ có 3 con tự kỷ và cũng là tác giả của nhiều cuốn sách viết về tự kỷ được phát hành cho biết: “Mục đích của tôi khi viết sách không phải là để kể lể về cuộc sống của mình, mà đó là cuộc sống của nhiều gia đình có con bị chứng rối loạn phổ tự kỷ. Chúng tôi phải đối mặt với vô số những thách thức. Tôi muốn thông qua câu chuyện của mình, các bậc cha mẹ có con bị tự kỷ sẽ đỡ căng thẳng hơn và nhìn mọi chuyện theo khía cạnh tích cực. Hãy mỉm cười với những đứa trẻ ngay cả khi chúng không đáp lại bạn”.
Chủ đề “Giáo dục hòa nhập chất lượng cho tất cả" của Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ năm nay cũng là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Cũng giống như những người bình thường, người mắc chứng tự kỷ có quyền được hưởng nền giáo dục có chất lượng. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy hầu hết trẻ em tự kỷ có khả năng làm tốt hơn chúng ta nghĩ. Có 78,8% số trẻ tự kỷ trong độ tuổi đi học đang làm tốt nhất ở 1 trong 5 lĩnh vực phát triển ở độ tuổi lên 10 và tỷ lệ trẻ làm tốt trong tất cả các lĩnh vực là 25%.
Trong thông điệp gửi đi nhân dịp này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm nhiều tình trạng bất bình đẳng và chúng ta cần đảm bảo rằng các quyền, quan điểm và hạnh phúc của người khuyết tật, bao gồm cả những người mắc chứng tự kỷ, phải một phần không thể thiếu trong việc xây dựng tốt hơn trước đại dịch./.