Phát hiện cá voi 4 chân cổ đại từng “đi bộ” trên đất liền
VOV.VN - Tại sa mạc ven biển phía nam Peru, các nhà khoa học đã khai quật được hóa thạch của một con cá voi 4 chân sống khoảng 43 triệu năm trước.
Loài cá voi cổ đại này có tên khoa học là Peregocetus pacificus, là động vật có vú dài 4m. Khoảng 43 triệu năm trước, nó sống cả trên đất liền và biển khơi. Loài cá voi cổ đại này đóng vai trò then chốt trong quá trình tiến hóa của Bộ Cá voi.
Mô phỏng hình ảnh cá voi 4 chân ở dưới nước và trên cạn. Ảnh: Reuters |
Bốn chi có khả năng di chuyển trên đất liền nên Peregocetus có thể đến bờ đá để nghỉ ngơi và sinh con ngoài thời gian dưới biển. Bàn chân và bàn tay của nó có móng guốc nhỏ và có màng để hỗ trợ bơi lội. Tuy nhiên việc di chuyển trên đất liền có lẽ không dễ dàng cho nó bởi 4 chi tương đối mảnh khảnh [so với thân hình – ND].
Nhờ có mõm thon dài và hàm răng chắc khỏe với răng cửa, răng nanh lớn và răng hàm có thể cắt thịt, cá voi cổ đại rất giỏi trong việc bắt con mồi cỡ trung như cá. Ông Olivier Lambert, Nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ cho biết, các hóa thạch đã chỉ ra rằng cá voi tiến hóa cách đây hơn 50 triệu năm ở Pakistan và Ấn Độ. Chúng tiến hóa từ một loài động vật có vú sống trên cạn, có họ hàng với hà mã và mang kích thước của một con chó cỡ trung. Sau đó chúng mất hàng triệu năm để phát triển lan rộng khắp thế giới.
Hóa thạch ở Peru cho thấy cá voi bốn chân đã di chuyển từ Nam Á đến Bắc Phi, sau đó vượt qua Nam Đại Tây Dương để đến Thế giới mới. Điều này chứng minh rằng những con cá voi đầu tiên đến châu Mỹ vẫn giữ được khả năng di chuyển trên đất liền.
Theo thời gian, các chi trước của cá voi phát triển thành vây, các chi sau cũng thoái hóa dần. Đến khoảng 40 triệu năm trước, cá voi tiến hóa thành những động vật biển hoàn toàn, sau đó tách thành hai nhóm cá voi còn sống ngày nay là cá voi sừng tấm và cá voi có răng, như cá heo và cá voi sát thủ./.