Tiết lộ về nền nhiệt siêu nóng của ngoại hành tinh WASP-76b
VOV.VN - Theo các nhà khoa học, ngoại hành tinh ngoài Hệ Mặt trời WASP-76b có thể nóng hơn nhiều so với những gì họ nghĩ.
WASP-76b, nằm cách Mặt trời khoảng 640 năm ánh sáng, là một hành tinh khí khổng lồ cùng kiểu với sao Mộc, nhưng to gần gấp đôi sao Mộc. Khoảng cách giữa sao mẹ và ngoại hành tinh WASP-76b rất gần nên mỗi năm trên đó chỉ bằng 1,8 ngày ở Trái đất.
Lượng bức xạ khổng lồ WASP-76b hấp thụ đã đẩy kích thước của ngoại hành tinh lên rất nhiều. Nó rộng gấp 1,85 lần sao Mộc mặc dù chỉ sở hữu 85% khối lượng của hành tinh đó. WASP-76b cũng bị khóa chặt vào ngôi sao mẹ theo cách Mặt trăng bị khóa vào Trái đất.
Theo Space, ngoại hành tinh WASP-76b cực kỳ nóng. Các nhà thiên văn ước tính rằng, nhiệt độ vào ban đêm của WASP-76b là 1.300 độ C, trong khi nhiệt độ vào ban ngày dao động quanh mức 2.400 độ C, đủ nóng để làm bay hơi nhiều kim loại.
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu mới, hiện tại ngoại hành tinh WASP-76b có lẽ còn khắc nghiệt hơn. Một nhóm các nhà khoa học đã quan sát ngoại hành tinh bằng kính thiên văn Gemini North và phát hiện ra dấu hiệu của canxi ion hóa trong bầu khí quyển phía trên của WASP-76b.
“Chúng tôi thấy rất nhiều canxi. Dấu hiệu này cho thấy ngoại hành tinh có gió rất mạnh trên tầng khí quyển, hay nhiệt độ khí quyển trên WASP-76b cao hơn rất nhiều so với chúng ta nghĩ”, Emily Deibert tại Đại học Toronto cho biết.
Nghiên cứu mới không đưa ra dự đoán cụ thể về nhiệt độ của WASP-76b. Điều này củng cố thêm quan niệm rằng Dải Ngân hà là một nơi vô cùng đa dạng và có nhiều hành tinh kỳ lạ. Trong khoảng hơn một thập kỷ qua, các nhà thiên văn học đã bắt đầu đánh giá WASP-76b một cách toàn diện.
“Khi thực hiện viễn thám hàng chục ngoại hành tinh với khối lượng và nhiệt độ khác nhau, chúng tôi sẽ phác họa một bức tranh hoàn chỉnh hơn về sự đa dạng của các ngoại hành tinh, từ những hành tinh đủ nóng để chứa mưa sắt đến những hành tinh khác có khí hậu ôn hòa hơn”, Ray Jayawardhana, giáo sư thiên văn học tại Đại học Cornell ở Ithaca, New York, cho biết.
“Điều đáng chú ý là với kính thiên văn và các dụng cụ ngày nay, chúng ta đã có thể tìm hiểu rất nhiều về bầu khí quyển, thành phần cấu tạo, tính chất vật lý, sự hiện diện của các đám mây và quy mô của các hành tinh quay quanh các ngôi sao cách chúng ta hàng trăm năm ánh sáng”, ông Jayawardhana nói./.