Trung Quốc bùng nổ "hôn nhân một ngày" chỉ với 12 triệu đồng
VOV.VN - Đàn ông vùng nông thôn nghèo Trung Quốc nếu không lấy được vợ sẽ thuê ‘diễn viên' tổ chức đám cưới giả với mong muốn có được cuộc sống êm ấm ở thế giới bên kia.
Một đám vừa cưới diễn ra ở miền bắc Trung Quốc vào ngày 7/7, thoạt nhìn trông giống như những đám cưới làng quê bình thường khác với MC đám dưới phát biểu trước hàng chục người thân và bạn bè: “Chúng ta hãy chúc mừng cặp đôi tổ chức lễ cưới long trọng ngày hôm nay và chúc họ hạnh phúc trọn đời”. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân giữa “đôi tân lang tân nương” này chỉ kéo dài vỏn vẹn một ngày.
Tạp chí Phoenix Weekly đưa tin, trào lưu “hôn nhân một ngày” đang trở nên ngày càng thịnh hành ở các vùng nông thôn của tỉnh Hà Bắc. Lý do là bởi đàn ông vùng này cần phải thực hiện nghi lễ kết hôn mới có thể được chôn cất cùng phần mộ tổ tiên sau khi họ qua đời.
Ở một số vùng quê Trung Quốc áp dụng tục lệ này, cho rằng những người đàn ông quá nghèo khó và không lấy được vợ sẽ không được chôn cất trong khu mộ của gia đình họ hoặc vào nhà thờ tổ tiên. Điều này có thể làm hỏng phong thủy của gia đình và trở thành điềm gở nguyền rủa họ “ế vợ” từ kiếp này sang kiếp khác.
Nhiều người cũng tin rằng những người sau khi mất đi được chộn cất cùng phần mộ của tổ tiên sẽ được con cháu trong gia đình chăm sóc ở thế giới bên kia và hưởng hương hoả, vàng mã mà người thân đốt cho họ.
Theo báo cáo, "hôn nhân một ngày" đã trở nên thịnh hành ở khu vực này từ cách đây 5-6 năm và đã trở thành giải pháp thay thế cho phong tục “đám cưới ma” phổ biến một thời - nghi lễ kết hôn giữa hai người đã qua đời hoặc giữa một người đã khuất và một người còn sống.
Một bà mối họ Wu, người điều hành một cơ sở chuyên sắp xếp các cuộc hôn nhân một ngày, cho biết bà có sẵn một danh sách những "cô dâu chuyên nghiệp". Chi phí phải trả để thuê cô dâu trong ngày là 3.600 nhân dân tệ (tương đương 12 triệu đồng) cộng thêm 1.000 nhân dân tệ (tương đương 3,3 triệu đồng) phí môi giới.
Các “cô dâu” sẽ tham dự lễ cưới và cùng chú rể đi thăm mộ tổ tiên bên nhà trai để gia tiên làm chứng cho “cuộc hôn nhân” của họ.
Bà Wu cho biết hầu hết các “cô dâu” là bảo mẫu hoặc nhân viên mát xa làm việc ở những thành phố khác bởi nhiều người lo lắng việc làm dịch vụ này ngay tại nơi mình sống có thể gây tổn hại đến danh tiếng của họ.
Cô dâu giả trong đám cưới hôm 7/7, được biết đến với cái tên Tian, cho biết cô cần tiền để chu cấp cho chồng và con trai. Ngoài “công việc bán thời gian” này, cô cũng kiếm được vài nghìn nhân dân tệ mỗi tháng với tư cách là chủ tiệm mát xa.
Tian nói rằng gia đình cô không biết về công việc “diễn xuất” của cô. Trong những lần đóng vai cô dâu, cô cũng cố che giấu danh tính bằng cách trang điểm đậm và đội tóc giả tại đám cưới. Tian bắt đầu làm việc cho bà Wu vào năm 2021. Ở tuổi 48, Tian là “cô dâu” trẻ nhất trong dàn diễn viên nư của bà mối.
Chú rể trong đám cưới của Tian mang họ Song, ông này gọi cuộc hôn nhân kéo dài một ngày là “một thỏa thuận” vì ông không cần trả tiền cho lễ vật đính hôn – thứ thường có giá khoảng 100.000 nhân dân tệ (tương đương 14.000 USD) ở tỉnh này.
Bà Wu cho biết bà làm việc này để giúp đỡ những chú rể và cô dâu giả - những người nghèo trong xã hội. “Không có gì là thật ngoại trừ tiền”, bà nói.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, hôn nhân trong một ngày được so sánh với một phiên bản cực đoan của dịch vụ cho thuê bạn trai hoặc bạn gái – trào lưu phổ biến ở những người trẻ tìm cách giảm bớt áp lực hôn nhân từ cha mẹ.
Một số người dùng trên mạng xã hội đã tỏ ra bất ngờ trước nỗi ám ảnh của nhiều người đàn ông về việc phải được chôn cất cùng phần mộ của tổ tiên. “Đầu tiên, tôi không hiểu sao lại có truyền thống rằng những người độc thân không thể gia nhập vào phần mộ của tổ tiên. Thứ hai, tại sao phải quan tâm đến việc được chôn cất ở đâu khi lúc ấy bạn đã qua đời rồi?”, một người bình luận cho biết.
Một người khác nói: “Tôi đã nhiều lần chứng kiến sự lừa đảo giữa người với người, nhưng lừa dối linh hồn tổ tiên là một điều khá lạ lẫm”.