UAE biến cát sa mạc thành đất canh tác nông nghiệp màu mỡ
VOV.VN - Công ty khởi nghiệp Agtech đang tiến hành thử nghiệm biến sa mạc tại Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thành những mảnh đất canh tác nông nghiệp màu mỡ, trù phú.
Tại thành phố Al Ain, Công ty “Desert Control” đã sáng chế ra công thức đất sét tự nhiên lỏng (LNC), hiện đã được cấp bằng sáng chế. Loại đất sét đã qua xử lý thành hợp chất lỏng này có khả năng biến cát sa mạc thành khu vực có thể trồng trọt, canh tác được.
Sau hơn chục năm nghiên cứu, phương pháp xử lý đất giàu đất sét của Desert Control đã chứng minh được hiệu quả bước đầu trong việc cải thiện độ màu mỡ của đất, tăng năng suất cây trồng thông qua phương pháp giữ nước và chống chịu hạn hán. Hiện Desert Control đang tích cực thử nghiệm trồng cây ăn quả trên đất sa mạc được áp dụng với loại đất sét tự nhiên lỏng này.
Chuyên gia nghiên cứu làm việc tại Desert Control, Orn Supaphol cho biết: "Đất cát có trọng lượng nhẹ và không kết dính với nhau, nhưng khi chúng ta bón đất sét lỏng vào đất, có thể tạo ra một cấu trúc đất cải thiện khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng, tiết kiệm đáng kể việc sử dụng nước để tưới tiêu cho cây trồng."
Ấp ủ tham vọng “làm cho trái đất xanh tươi trở lại” và “cách mạng hóa cuộc chiến chống sa mạc hóa”, công ty khởi nghiệp Desert Control cho biết việc xử lý đất sa mạc bằng đất sét lỏng có thể giúp giảm tiêu thụ nước tới 47%. Tuy nhiên, loại đất mới vẫn cần tiếp tục được thử nghiệm thực tế trên quy mô lớn hơn để đánh giá một cách toàn diện xem có thực sự phù hợp cho canh tác nông nghiệp hay không.
Giám đốc điều hành của Desert Control khu vực Trung Đông, Jan Vader cho biết: "Thực tế là lĩnh vực nông nghiệp đang sử dụng rất nhiều nước. Để giảm tiêu thụ nước ở khu vực khan hiếm nước như ở đây luôn được chúng tôi xem là một động lực lớn để hướng tới. Chúng tôi đang tập trung vào khía cạnh an ninh lương thực, không chỉ là nước, mà còn là năng suất cây trồng, độ màu mỡ của đất đai, một phương pháp nông nghiệp lành mạnh và bền vững hơn”.
UAE lâu nay luôn phải đối mặt với tình trạng đất đai khô cằn, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, cùng với bão cát và bụi nên rất khó để phát triển nông nghiệp. Tác động của biến đổi khí hậu, kết hợp với dân số ngày càng tăng cùng nền kinh tế đa dạng hóa sang lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực khác ngày càng càng thúc đẩy việc gia tăng nhu cầu sử dụng nước tại đất nước vốn lệ thuộc rất nhiều vào các nhà máy khử nước mặn với chi phí đắt đỏ này. Vì vậy, phát minh đất sét lỏng có thể coi là mang tính cách mạng, đem lại hiệu quả lớn cho việc cải thiện hoạt động canh tác tại quốc gia đang bị sa mạc hóa như UAE./.