Đại cử tri đoàn Mỹ hoạt động như thế nào?
VOV.VN - Tại Mỹ, một ứng cử viên trở thành tổng thống không phải bằng cách giành được đa số phiếu phổ thông toàn quốc, mà thông qua một hệ thống gọi là Đại cử tri đoàn.
Hệ thống này phân bổ phiếu đại cử tri cho 50 tiểu bang và Quận Columbia, chủ yếu dựa trên dân số của từng khu vực. Dưới đây là một số quy tắc quan trọng có thể quyết định kết quả cuộc tranh cử vào ngày 5/11 tới giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump.
Đại cử tri là gì?
Khi cử tri đi bầu tổng thống, họ thường chỉ thấy tên của các ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống trên lá phiếu. Tuy nhiên, thực chất họ đang bỏ phiếu cho một nhóm người - hay còn gọi là Đại cử tri đoàn.
Có tổng cộng 538 phiếu đại cử tri, và một ứng cử viên cần giành được ít nhất 270 phiếu để chiến thắng. Mỗi đại cử tri tương đương với một phiếu trong Đại cử tri đoàn. Họ thường là những người trung thành với đảng, cam kết ủng hộ ứng cử viên nhận được nhiều phiếu bầu nhất ở tiểu bang của họ.
Trong cuộc bầu cử năm 2020, Tổng thống Joe Biden đã giành được 306 phiếu đại cử tri, đánh bại Donald Trump - người chỉ nhận được 232 phiếu.
Hệ thống Đại cử tri đoàn, được quy định trong Hiến pháp, là kết quả của sự thỏa hiệp giữa các nhà sáng lập đất nước - những người từng tranh luận về việc liệu tổng thống nên được Quốc hội lựa chọn hay thông qua bỏ phiếu phổ thông.
Các bang có số lượng cử tri như nhau không?
Mỗi tiểu bang có số phiếu đại cử tri tương ứng với tổng số ghế đại diện và thượng nghị sĩ của bang đó trong Quốc hội. Trong khi mỗi bang có hai thượng nghị sĩ, số ghế tại Hạ viện lại phụ thuộc vào dân số của bang.
Ví dụ, California - bang đông dân nhất - có 54 phiếu đại cử tri, trong khi sáu tiểu bang có dân số nhỏ nhất và Quận Columbia chỉ có ba phiếu - số phiếu tối thiểu được phân bổ cho một bang. Điều này tạo ra sự chênh lệch lớn trong mức độ đại diện: một phiếu đại cử tri ở Wyoming - bang ít dân nhất - đại diện cho khoảng 192.000 người, trong khi một phiếu ở Texas - bang đông dân hơn - đại diện cho khoảng 730.000 người.
Đa số các bang đều áp dụng quy tắc "người chiến thắng được tất cả": ứng cử viên nhận được nhiều phiếu phổ thông nhất sẽ giành được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Chiến thắng với nhiều hay ít phiếu phổ thông đều mang lại cùng một số phiếu đại cử tri. Từ đó, các chiến dịch thường tập trung vào các bang "dao động", nơi một thay đổi nhỏ có thể quyết định toàn bộ phiếu đại cử tri.
Trong cuộc bầu cử hiện tại, các bang chiến trường quan trọng bao gồm Arizona, Georgia, Michigan, Bắc Carolina, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin.
Một ứng cử viên có thể thắng dù thua phiếu phổ thông
Trước đó, hai cựu Tổng thống của Đảng Cộng hòa là George W. Bush và Donald Trump đã chiến thắng lần lượt vào các năm 2000 và 2016 dù thua phiếu phổ thông. Điều tương tự cũng xảy ra ba lần trong những năm 1800.
Điều này thường được các nhà phê bình xem là nhược điểm chính của hệ thống Đại cử tri đoàn. Trong khi đó, những người ủng hộ lại cho rằng hệ thống sẽ buộc các ứng cử viên phải tìm kiếm phiếu bầu từ nhiều tiểu bang, thay vì chỉ tập trung vào các khu vực đô thị lớn.
Khi nào đại cử tri đi bỏ phiếu
Các đại cử tri sẽ tiến hành họp vào ngày 17/12 để chính thức bỏ phiếu và gửi kết quả đến Quốc hội. Ứng cử viên giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri trở lên sẽ trở thành Tân Tổng thống.
Quốc hội sẽ kiểm phiếu vào ngày 6/1, và Tổng thống mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1.
Đại cử tri có thể bỏ phiếu trái ý phổ thông
Nhìn chung, cuộc họp của các đại cử tri thường mang tính chất nghi lễ, trong đó họ chỉ bỏ phiếu theo kết quả bỏ phiếu phổ thông trước đó ở tiểu bang của mình.
Tuy nhiên, vào năm 2016, có 7 trong số 538 đại cử tri đã không bỏ phiếu cho người thắng phiếu phổ thông ở tiểu bang của họ - một con số bất thường. Trong số bảy đại cử tri đó, ba người đã bỏ phiếu cho Colin Powell, cựu ngoại trưởng Mỹ, dù họ đại diện cho các tiểu bang đã chọn ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton. Cuối cùng, Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đó.
Theo Hội đồng Lập pháp Tiểu bang Toàn quốc, 33 tiểu bang và Đặc khu Columbia đã ban hành các bộ luật nhằm ngăn chặn những cử tri "bất trung" bỏ phiếu cho người khác, trong đó một số luật có thể áp dụng hình phạt hình sự.
Điều gì sẽ xảy ra nếu kết quả hòa
Về mặt lý thuyết, hệ thống Đại cử tri có thể dẫn đến tỷ lệ hòa 269-269. Nếu tình huống hi hữu này xảy ra, Tân Tổng thống sẽ được Hạ viện mới quyết định vào ngày 6/1. Mỗi tiểu bang sẽ bỏ phiếu như một đơn vị, theo yêu cầu của Tu chính án thứ 12 của Hiến pháp.
Hiện tại, đảng Cộng hòa kiểm soát 26 phái đoàn cấp tiểu bang, còn đảng Dân chủ kiểm soát 22 phái đoàn. Hai bang Minnesota và Bắc Carolina có số thành viên 2 đảng ngang nhau.
Hệ thống đại cử tri có thể thay đổi không?
Việc bãi bỏ hệ thống Đại cử tri đoàn sẽ yêu cầu sửa đổi Hiến pháp.
Tuy nhiên, Quốc hội đã cố gắng khắc phục những sai sót được phát hiện sau cuộc bầu cử năm 2020, khi Donald Trump tuyên bố sai sự thật rằng ông đã thắng cử và cố gắng gây sức ép lên các quan chức nhà nước nhằm lật ngược kết quả bầu cử.
Vào năm 2022, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Cải cách Kiểm phiếu Đại cử tri, nhấn mạnh rằng thống đốc hoặc viên chức được tiểu bang lựa chọn sẽ chứng nhận kết quả bầu cử của tiểu bang trước khi chuyển đến Quốc hội.
Luật mới cũng ngăn chặn tình huống tương tự như bế tắc bầu cử năm 1876 xảy ra, khi ba tiểu bang cùng lúc gửi hai "đại cử tri cạnh tranh" - một được các nhà lập pháp chứng nhận và một do quan chức tiểu bang chứng nhận.
Bên cạnh đó, luật này còn đặt ra thời hạn bắt buộc để các tiểu bang hoàn tất công tác tái kiểm phiếu và giải quyết kiện tụng là 36 ngày sau cuộc bầu cử.