Đại hội đồng LHQ lên án Mỹ cấm vận Cuba
VOV.VN - Bộ trưởng Ngoại giao Cuba đánh giá cao sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Cuba và kêu gọi Mỹ thay đổi lập trường về lệnh cấm vận với nước này.
Ngày 28/10, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua một nghị quyết đề nghị Mỹ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba. Nhiều nước còn ca ngợi nỗ lực của hòn đảo này trong cuộc chiến chống dịch Ebola. Đây cũng là năm thứ 23 liên tiếp Liên Hợp Quốc bỏ phiếu về một nghị quyết như thế này.
188 quốc gia trong tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết có tên “Sự cần thiết phải chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, tài chính và thương mại mà Mỹ áp đặt đối với Cuba”.
Cũng như các năm trước, chỉ có Mỹ và Israel bỏ phiếu chống trong khi các quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương như Palau, Quần đảo Marshall và Micronesia bỏ phiếu trắng.
Trước Đại hội đồng, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez Parrilla đã cảm ơn và đánh giá cao sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính đáng của Cuba.
Bộ trưởng Parrilla kêu gọi Mỹ thay đổi lập trường về lệnh cấm vận đối với Cuba, đồng thời cho biết lệnh cấm vận đã gây tổn hại đến người dân Cuba và làm nền kinh tế nước này thiệt hại hơn 1.000 tỉ USD.
Ông Parrilla đồng thời khẳng định không một người trung thực nào trên thế giới có thể chấp nhận những hậu quả này từ cuộc bao vây, cấm vận phi lý mà Mỹ đang áp dụng.
Ông Parrilla nói: “Tại thời điểm khó khăn và đặc biệt trong các mối quan hệ quốc tế đan xen này, những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến con người buộc chúng ta phải thay đổi cách ứng xử với nhau để duy trì hòa bình và, bảo vệ cuộc sống cho tất cả mọi người”.
Bộ trưởng Parrilla khẳng định, Cuba sẽ không bao giờ từ bỏ chủ quyền cũng như con đường mà nhân dân nước này đã chọn và sẽ tiếp tục xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và hiệu quả hơn, phồn vinh và bền vững hơn.
Trong khi đó, cũng tại phiên họp này, nhiều quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã đánh giá cao những nỗ lực của Cuba trong cuộc chiến chống đại dịch Ebola đang hoành hành tại Tây Phi. Hiện Cuba đã gửi 250 bác sĩ và nhân viên y tế tới các nước Tây Phi để tham gia cuộc chiến ngăn chặn dịch bệnh.
Sau cuộc bỏ phiếu, bà Alicia Barcena, Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (ECLAC) của Liên Hợp Quốc cho rằng: “Tôi nghĩ rằng, Mỹ là nước mất mát nhiều hơn cả khi duy trì các lệnh cấm vận đối với Cuba. Cuba lúc này đang rất chào đón các nguồn đầu tư mới, phương thức sản xuất mới và đối với Mỹ thì đây là thời điểm quan trọng để đầu tư vào Cuba. Tôi nghĩ rằng, một số ngành nghề của Mỹ cũng đang yêu cầu chấm dứt lệnh cấm vận”.
Mặc dù việc bỏ phiếu này không có tính ràng buộc và chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, nhưng điều đó cũng cho thấy việc Mỹ cô lập Cuba vẫn có được sự quan tâm đáng kể. Đây là một trong số rất ít những vấn đề gây chia rẽ giữa Washington và các đồng minh phương Tây.
Còn tại thủ đô La Habana, người dân Cuba cho rằng, bây giờ là thời điểm để Mỹ rút lại các lệnh cấm vận đối với nước này.
Một người dân nói: "Bây giờ là thời điểm kết thúc sự phong tỏa. Có như vậy thì người dân Cuba mới được hưởng hạnh phúc trọn vẹn và thế giới có thể mang đến những gì chúng tôi còn thiếu”.
Một người khác cho biết: "Bây giờ là thời điểm để Mỹ nhận ra rằng, việc phong tỏa Cuba cần phải kết thúc vì nó đã gây ra cho chúng tôi quá nhiều thiệt hại cả về kinh tế và xã hội”.
Mỹ ngừng quan hệ ngoại giao và áp đặt lệnh cấm vận thương mại toàn diện đối với Cuba cách đây hơn nửa thế kỷ, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chính sách chống Cuba của Mỹ đang vấp phải sự chỉ trích không chỉ trên bình diện quốc tế mà ngay từ trong lòng nước Mỹ.
Một kết quả thăm dò hồi tháng 2 cho thấy có tới 56% công dân Mỹ ủng hộ thay đổi chính sách của Washington với La Habana. Riêng tại bang Florida, nơi có đông kiều dân Cuba sinh sống, số người ủng hộ bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba lên tới 63%. /.