Đại úy Hải quân Thái Lan tuyệt thực phản đối cuộc đảo chính
VOV.VN - Vị Đại úy Hải quân này cũng đã đâm đơn khiếu nại Ủy ban Bảo vệ Trật tự quốc gia với cáo buộc phỉ báng chế độ quân chủ và phản bội Tổ quốc.
Đại úy Hải quân Thái Lan nghỉ hưu Chalad Vorachat đã bắt đầu tuyệt thực để phản đối cuộc đảo chính diễn ra ở nước này hồi tháng trước.
Ngày 10/6, chính trị gia này đâm đơn khiếu nại Tướng Prayuth Chan-ocha- người lãnh đạo cuộc đảo chính ở Thái Lan và các thành viên khác của Ủy ban Bảo vệ Trật tự quốc gia với cáo buộc phỉ báng chế độ quân chủ và phản bội Tổ quốc.
Những người dân Thái Lan phản đối cuộc đảo chính (Ảnh: Reuters)
Đại úy Chalad Vorachat nộp đơn khiếu nại cho 1 tòa án hình sự ở Bangkok. Trong đơn khiếu nại của mình, Đại úy Chalad Vorachat lập luận rằng sự can thiệp của quân đội phải được dựa trên cơ sở pháp lý của Đạo luật Chiến tranh Thái Lan.
“Trường hợp công bố Thiết quân luật là đất nước phải có chiến tranh hoặc 1 cuộc xung đột bạo lực. Ngoài ra, công bố Thiết quân luật phải có sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ hoặc Quốc vương Thái Lan”, ông Chalad nói với các phóng viên bên ngoài tòa án.
Ông Chalad nhấn mạnh: “Nhưng những gì quân đội đã làm chẳng khác gì với việc cướp Chính quyền”.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Chalad tuyệt thực. Năm 1992, ông Chalad từng tuyệt thực để phản đối Thủ tướng lên nắm quyền không qua bầu cử lúc bấy giờ của Thái Lan là Tướng Suchinda Kraprayoon.
Lúc bấy giờ, trước Tòa nhà Quốc hội, ông Chalad đã tuyệt thực 19 ngày để yêu cầu viết lại Hiến pháp vì 1 xã hội Thái Lan công bằng và dân chủ. Hành động này của ông Chalad tạo nên động lực cho làn sóng phản đối khắp nước buộc Tướng Suchinda phải từ chức.
Ông Chalad tuyên bố: “Nếu 1 vị Thủ tướng nào lên nắm quyền mà không thông qua bầu cử thì thà cứ để tôi chết đói đi còn hơn”.
Ngày 22/5 vừa qua, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth đã lên nắm quyền thông qua một cuộc đảo chính. Tướng Prayuth cho biết sự kiểm soát của quân đội lúc này là cần thiết để lập lại trật tự sau gần 7 tháng bất ổn chính trị. Ít nhất 28 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương sau vòng xoáy bất ổn vừa qua.
Cuộc đảo chính là chương mới nhất trong cuộc tranh giành quyền lực kéo dài suốt gần một thập kỷ giữa phe Bảo hoàng và những người ủng hộ ông Thaksin. Các nhà cầm quyền quân sự loại bỏ Hiến pháp cũ sau cuộc đảo chính. Tương Prayuth cho biết sẽ phải mất khoảng 1 năm mới có thể tổ chức Tổng tuyển cử ở Thái Lan./.