Đàm phán hạt nhân Iran và P5+1 bước vào giai đoạn lịch sử
VOV.VN - Khác biệt lớn nhất giữa các bên hiện nay chính là tốc độ và thời gian các nước phương Tây xóa bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran.
Hôm qua (27/6), tại thủ đô Vienna, Áo, các cường quốc hạt nhân thuộc nhóm P5+1 gồm 5 nước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức đã bắt đầu các cuộc đàm phán nước rút với Iran nhằm đạt được một thỏa thuận cuối cùng trước thời hạn chót là 30/6.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry - một nhân vật quan trọng trong đàm phán hạt nhân Iran hiện nay (ảnh: Telegraph) |
Mở màn các cuộc đàm phán lần này là cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Iran nhằm thu hẹp những tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran giữa nước này với phương Tây trong suốt 13 năm qua. Tuy nhiên, theo giới chức Mỹ và Iran, hiện tại giữa các bên vẫn tồn tại nhiều bất đồng cần phải giải quyết.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp kéo dài 90 phút với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, ông hy vọng cuộc đàm phán sẽ kết thúc đúng thời hạn chót, tức là ngày 30/6 tới. Tuy nhiên, trước mắt, các bên vẫn còn có quá nhiều vấn đề cần giải quyết.
Ông Kerry nói: “Công bằng mà nói thì chúng tôi vẫn rất hy vọng về cuộc đàm phán. Trước mắt, chúng tôi còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đó lại là những vấn đề gai góc. Chúng tôi cần hướng về phía trước nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng. Mọi người ai cũng mong muốn có một thỏa thuận song để làm được điều đó, chúng tôi cần phải trải qua một số vấn đề khó ”.
Cùng chung quan điểm với Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Iran Zarif cũng cho rằng, các bên còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy đàm phán tiến về phía trước: “Tôi đồng ý là chúng tôi cần phải rất nỗ lực để thúc đẩy đàm phán tiến về phía trước. Chúng tôi đã hạ quyết tâm sẽ làm tất cả những gì có thể để biến lần đàm phán này trở thành một dấu mốc quan trọng. Điều này phục thuộc rất nhiều thứ và chúng tôi phải tìm cách để giải quyết”.
Theo các nguồn tin ngoại giao, khác biệt lớn nhất giữa các bên hiện nay chính là tốc độ và thời gian các nước phương Tây xóa bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran để đổi lại Iran sẽ hạn chế các chương trình hạt nhân của nước này, cũng như các bên xây dựng một cơ chế nhằm giám sát chương trình hạt nhân của Iran. Mỹ và các nước phương Tây lo ngại Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân song Iran đến nay vẫn bác bỏ những cáo buộc trên, cho rằng chương trình hạt nhân Iran chỉ để phục vụ cho mục đích hòa bình.
Với quá nhiều bất đồng tồn tại, giới phân tích nhận định, cuộc đàm phán lần này sẽ không thể hoàn tất trước thời hạn chót. Nhiều khả năng, đàm phán có thể kéo dài thêm 1 đến 2 ngày nữa. Cuối tuần trước, giới chức Mỹ cũng đã đề cập khả năng đàm phán có thể kéo dài thêm vài ngày sau ngày 30/6.
Pháp, một trong số các nước tham gia đàm phán, cũng tỏ ý hoài nghi về việc giữ được đúng thời hạn. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã nhấn mạnh rằng: để đảm bảo đạt được một thỏa thuận chắc chắn với các cường quốc về chương trình hạt nhân, Iran cần phải đáp ứng 3 điều kiện, trong đó có việc giới hạn khả năng nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran trong dài hạn, việc thanh sát các cơ sở hạt nhân của Iran và cuối cùng là việc áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nếu Iran vi phạm các cam kết.
Sau nhiều năm căng thẳng và 20 tháng thương lượng ráo riết, đây được xem là thời điểm lịch sử có thể ký kết một thỏa thuật hạt nhân với Iran với mục tiêu là bảo đảm sao cho chương trình hạt nhân Iran hoàn toàn phục vụ mục tiêu dân sự. Đổi lại, quốc tế sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đè nặng lên kinh tế Iran từ năm 2005.
Trước đó, Iran và nhóm P5+1 bao gồm Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức đã đạt được thỏa thuận sơ bộ hồi tháng 4 vừa qua tại Thụy Sĩ. Các bên đặt mục tiêu tới ngày 30/6 sẽ đạt được thỏa thuận toàn diện cuối cùng để có thể kết thúc hồ sơ hạt nhân Iran, một trong những vấn đề được xem là gai góc nhất trong quan hệ quốc tế đương đại./.