Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Tiến triển nhưng còn nhiều việc phải làm
VOV.VN - Vòng đàm phán thương mại lần này được đánh giá rất quan trọng trong bối cảnh 2 cường quốc kinh tế Mỹ và Trung Quốc cần đạt được một thỏa thuận chung.
Các thành viên của phái đoàn thương mại Mỹ do Đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu hôm nay (29/3) đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) để tham dự các cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa hai nước.
Ông Lưu Hạc. Ảnh: SCMP. |
Đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chính thức được nối lại sau bữa tối làm việc hữu ích ngày hôm qua.
Vòng đàm phán lần này được đánh giá là rất quan trọng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cần đạt được một thỏa thuận chung nhằm chấm dứt căng thẳng kéo dài trong nhiều tháng gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu nói chung. Ba lĩnh vực liên quan đến công nghệ, là trọng tâm trong đàm phán thương mại Mỹ- Trung, bao gồm chuyển giao công nghệ, trộm cắp trên mạng và quyền sở hữu trí tuệ.
Nhiều tín hiệu cho thấy đàm phán thương mại giữa hai bên đang có nhiều khởi sắc. Giới chức Trung Quốc đưa ra nhiều đề xuất chưa từng có nhằm giải quyết tình trạng đối đầu thương mại kéo dài với Mỹ, trong khi Washington cũng muốn ngừng lại những cáo buộc rằng Bắc Kinh đã ăn cắp bản quyền trí tuệ Mỹ một cách có hệ thống.
Sau cuộc gặp mặt được đánh giá là “khởi đầu tốt đẹp” vào tối qua giữa giới chức Mỹ và Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 29/3 lạc quan cho rằng: “Chúng tôi đã có bữa tối làm việc rất hiệu quả. Và hiện chúng tôi cũng đang rất trông chờ vào cuộc gặp ngày hôm nay”.
Có vẻ như cả Trung Quốc và Mỹ đều đang rất tạo điều kiện để các cuộc đàm phán diễn ra suôn sẻ. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm qua bất ngờ thông báo, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh mở rộng tiếp cận thị trường cho các ngân hàng, công ty chứng khoán và bảo hiểm nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Về phía Mỹ, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, Mỹ có thể giảm mức thuế áp dụng nếu thỏa thuận thương mại đạt được giữa hai nước trong khi vẫn yêu cầu các nước khác đảm bảo giao dịch với Bắc Kinh.
Dẫu vậy, giới quan sát nhận định, dù có tiến triển được ghi nhận, song tại thời điểm này chưa thể khẳng định, liệu cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung có sớm khép lại bằng một thỏa thuận thương mại mà hai bên đang nỗ lực theo đuổi hay không.
Rõ ràng mối quan hệ thương mại giữa hai bên đang phụ thuộc rất nhiều vào vòng đàm phán lần này. Chẳng vậy mà ngay trước khi giới chức Mỹ-Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong lưu ý rằng các nhà thương lượng hai bên vẫn phải đối mặt với một “khối lượng lớn công việc” cần hoàn tất trong vòng đàm phán mới này để có thể hướng tới giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài từ nhiều tháng qua.
Và mặc dù, Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ sớm tổ chức lễ ký thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, song nhìn vào thực tế các cuộc đàm phán thương mại Mỹ- Trung liên tục lâm vào bế tắc thời gian qua cho thấy vẫn còn rất nhiều rào cản mà hai bên cần vượt qua. Đó là chưa kể, 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đang vướng mắc trong một loạt vấn đề “lùm xùm” khác, mà nổi bật là những tranh cãi liên quan tới Tập đoàn thiết bị mạng Huawei của Trung Quốc./.