Dân tuý lên ngôi, bầu cử Italy có nguy cơ rơi vào bế tắc
VOV.VN - Kết quả sơ bộ cho thấy, đảng dân tuý Phong trào 5 sao đã có sự thăng tiến mạnh khi giành nhiều phiếu hơn dự đoán.
Đảng dân tuý “Phong trào 5 sao” chiến thắng và trở thành chính đảng lớn nhất tại Italy nhưng không đảng phái hay liên minh nào giành đủ đa số tuyệt đối để thành lập chính phủ, dẫn đến nguy cơ chính trường Italy tiếp tục rơi vào bế tắc.
Đại diện 3 đảng trong liên minh trung hữu (Ảnh: CBC). |
Dân tuý về nhất
Tất cả các điểm bỏ phiếu tại Italy đóng cửa lúc 23h, giờ địa phương, và kết quả sơ bộ do các hãng thông tấn Châu Âu đưa ra như sau: đảng “Phong trào 5 sao” giành khoảng 31 đến 32% tổng số phiếu, về nhất trong cuộc bầu cử và sẽ trở thành chính đảng lớn nhất tại Italy, chiếm tối đa khoảng 246 ghế tại Quốc hội.
Đứng thứ hai là đảng Dân chủ, giành khoảng 21-23% số phiếu. Hai đảng “Tiến lên Italy” và Liên đoàn phương Bắc, cùng được khoảng 13-16%. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả sơ bộ và kết quả chính thức phải đợi trong ngày hôm nay mới được công bố.
Kết quả sơ bộ cho thấy, đảng dân tuý Phong trào 5 sao đã có sự thăng tiến mạnh khi giành nhiều phiếu hơn dự đoán, đảng Dân chủ không đạt được mục tiêu còn trong liên minh trung hữu, hai đảng “Tiến lên Italy” của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và Liên đoàn phương Bắc của chính trị gia Matteo Salvini, tiếp tục cạnh tranh gắt gao vai trò thủ lĩnh cánh trung hữu.
Tuy nhiên, dù liên minh trung hữu của 4 đảng, trong đó nòng cốt là 2 đảng “Tiến lên Italy” và Liên đoàn phương Bắc, là liên minh giành nhiều phiếu nhất, nhưng cũng không đủ đa số tuyệt đối cần thiết để tự thành lập chính phủ.
Con số cử tri đi bầu, theo thông báo của Bộ Nội vụ Italy ngay sau thời điểm đóng cửa các điểm bỏ phiếu là 73%. Tỷ lệ vắng mặt khoảng 27% thấp hơn so với các thăm dò trước đó.
Tuy nhiên, chưa rõ con số đi bầu của cử tri trẻ Italy bởi đây là lượng cử tri được đặc biệt quan tâm trong cuộc tổng tuyển cử này.
Giới trẻ là đối tượng vận động chính của M5S nhưng cũng chính là các cử tri có nhiều thất vọng nhất bởi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Italy hiện lên tới 33%, thuộc dạng cao nhất tại Châu Âu.
Các kịch bản đau đầu
Theo luật bầu cử mới của Italy, một đảng hoặc một liên minh chỉ có thể tự đứng ra thành lập chính phủ nếu giành được đa số tuyệt đối tại cả Quốc hội lẫn Thượng viện Italy.
Theo cơ chế tính toán mới của luật bầu cử, đa số tuyệt đối này tương đương khoảng 40 đến 45% tổng số phiếu cử tri.
Tuy nhiên, gần như chắc chắn sẽ không có một đảng hay một liên minh nào giành được con số trên và cả 3 lực lượng chính trong cuộc bầu cử Italy là liên minh trung hữu, Phong trào 5 sao cũng như liên minh trung tả đều không giành đủ đa số tuyệt đối để tự mình nắm quyền.
Đây chính là tình huống được nhắc đến nhiều nhất trước cuộc bầu cử, tức là sau khi bỏ phiếu thì tình thế chính trị tại Italy vẫn bế tắc.
Bầu cử tại Italy: Cuộc bầu cử quan trọng nhất châu Âu năm 2018
Hiện tại, Phong trào 5 sao vẫn chủ trương không liên minh với bất kỳ đảng nào, tức coi như tự tước bỏ cơ hội đứng ra lập chính phủ liên minh. Nhưng khi chiến thắng đến lớn hơn dự tính, không thể loại trừ khả năng Phong trào 5 sao sẽ thay đổi quan điểm trong thời gian tới.
Nhưng, kịch bản lớn nhất vẫn là hai liên minh trung hữu và trung tả sẽ là nhân tố chính đi tìm kiếm thêm đồng minh để có đủ số ghế cần thiết trong quốc hội Italy.
Việc này không đơn giản, khi ngay trong chính nội bộ liên minh trung hữu cũng đã tồn tại rất nhiều mâu thuẫn giữa đảng của ông Berlusconi và đảng Liên đoàn phương Bắc.
Một kịch bản được nói đến nhiều, đó là đảng “Tiến lên Italy” của ông Berlusconi có thể chia tay phe trung hữu để liên minh với đảng Dân chủ của phe trung tả, tức là đảng của đương kim Thủ tướng Paolo Gentiloni và cựu Thủ tướng Matteo Renzi. Đây là viễn cảnh được Châu Âu mong đợi, dù tính khả thi đang ngày càng thấp.
Kịch bản tiếp theo là phe trung hữu tìm kiếm thêm được đủ liên minh để chiếm đa số. Trong trường hợp này thì lại phải chờ xem đảng “Tiến lên Italy” của ông Berlusconi hay đảng Liên đoàn phương Bắc của ông Salvini giành nhiều phiếu hơn.
Nếu đảng của ông Berlusconi phiếu cao hơn, ông Berlusconi sẽ uỷ nhiệm cho ông Antonio Tajani, hiện đang là Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, đứng ra lập chính phủ mới và làm Thủ tướng, do ông Berlusconi đang bị cấm giữ tất cả các chức vụ trong chính quyền Italy đến năm 2019 vì tội danh trốn thuế.
Ngược lại, nếu đảng “Liên đoàn phương Bắc” có phiếu cao hơn, ông Matteo Salvini sẽ đứng lên cầm cờ và nhiều khả năng là Thủ tướng mới của Italy. Đây sẽ là tin tức tệ nhất với Châu Âu bởi Liên đoàn phương Bắc có các tư tưởng ly khai và chống Châu Âu rõ rệt.
Triệu chứng điển hình của khủng hoảng
Châu Âu theo dõi sát cuộc bầu cử tại Italy với nhiều lo ngại.
Lo ngại đầu tiên: Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 của khối nên bất kỳ sự bất ổn chính trị nào tại Italy đều có tác động đến khu vực. Nguy hiểm hơn, Italy đang gánh rủi ro cực kỳ lớn về khoản nợ công lên tới 132% GDP, cao thứ hai của khối. Nếu chính trường Italy bất ổn hậu bầu cử, nguy cơ đổ vỡ kinh tế không thể loại trừ, dẫn đến tác động lan truyền ra toàn bộ khu vực đồng tiền chung Châu Âu.
Lo ngại thứ hai: Italy là tiền tuyến của cả Châu Âu trong cuộc chiến chống lại làn sóng tị nạn từ Bắc Phi và Trung Đông. Nước này đang là chốt chặn quan trọng nhất của Châu Âu nên nếu như bất ổn, các mâu thuẫn xã hội bùng nổ, mà trên thực tế thì đã có một vài vụ việc bạo lực sắc tộc nhằm vào người tị nạn diễn ra trong thời gian qua, Italy có thể sẽ không thể kiểm soát được làn sóng tị nạn và khi đó khủng hoảng có thể lan rộng khắp Châu Âu.
Nhưng, lí do quan trọng nhất mà Châu Âu lo lắng nhìn về Italy, đó là đất nước này đang mang tất cả những triệu chứng điển hình của một cuộc khủng hoảng mô hình dân chủ phương Tây.
Đó là sự suy yếu của các đảng phái truyền thống, sự thăng tiến của các đảng cực đoan, dân tuý, thậm chí là các đảng tân phát-xít ở địa phương.
Cùng lúc đó thì các ứng cử viên liên tục vận động tranh cử bằng các khẩu hiệu chống lại hệ thống, còn cử tri thì chán nản và phản ứng bằng cách không đi bầu.
Điều tệ hại hơn, là cuộc bầu cử này diễn ra vào thời điểm mà niềm tin vào Liên minh Châu Âu của người dân Italy, vốn được biết đến như những người rất có tinh thần Châu Âu, xuống thấp chưa từng thấy.
Việc cả Châu Âu bỏ mặc cho Italy chống đỡ với làn sóng tị nạn khổng lồ, lên tới 600 ngàn người từ năm 2013 đến nay, mà không san sẻ gánh nặng khiến người dân Italy thất vọng. Tâm lý cho rằng, dù có gắn bó mấy với Châu Âu cũng không được đền đáp, đang lan tràn khắp Italy.
Đó chính là điều nguy hiểm nhất, khiến Liên minh Châu Âu ý thức được rằng, nếu trong cuộc bầu cử này, các đảng cực hữu bài Châu Âu hay dân tuý có thể lên nắm quyền nhờ sự thất vọng của người dân Italy thì cả khối EU sẽ bị đứt đi một mắt xích quan trọng.
Bởi, Italy không chỉ là nền kinh tế thứ 3 Châu Âu, là tiền tuyến canh giữ biên giới phía Nam của khối. Đó còn là một trong những thành viên sáng lập nên EU và luôn ủng hộ mạnh mẽ các dự án hội nhập Châu Âu. Nếu EU mất đi Italy, đó sẽ là thảm hoạ./.