Đảng cầm quyền Nga đề xuất quốc hữu hóa doanh nghiệp nước ngoài
VOV.VN - Đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất muốn quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi thị trường Nga vì vấn đề Ukraine.
Đảng Nước Nga thống nhất đã đưa ra ý tưởng quốc hữu hóa hoạt động sản xuất của các công ty tuyên bố rời khỏi thị trường Nga sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2.
.
Cho tới nay, đã có hàng chục doanh nghiệp quốc tế bày tỏ ý định dừng hoạt động ở Nga và danh sách này ngày càng dài thêm. Thư ký hội đồng chung của đảng Nước Nga thống nhất, ông Andrey Turchak gọi những hành động này là “đâm sau lưng” đồng thời cảnh báo Nga sẽ có “biện pháp đáp trả cứng rắn”.
“Đảng Nước Nga thống nhất đề xuất quốc hữu hóa hoạt động sản xuất của các công ty đã tuyên bố rời khỏi Nga và đóng cửa sản xuất ở Nga sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Đây là biện pháp cực đoan, nhưng chúng tôi sẽ không chấp nhận bị ‘đâm sau lưng’ và chúng tôi sẽ bảo vệ người dân của mình”, ông Turchak cho biết.
Ông gọi quyết định rời Nga của các công ty nước ngoài là “một sự phá sản được tính toán trước”, “một quyết định hoàn toàn mang tính chính trị” và là một phần của “cuộc chiến trừng phạt chống lại Nga”. Do đó, ông cho rằng, nhiệm vụ chính của chính quyền Nga là “duy trì việc làm” và không để nền kinh tế “bị phá hủy từ bên trong”.
“Đây là một cuộc chiến thực sự, không phải chống lại cả nước Nga mà là chống lại các công dân. Chúng tôi sẽ không đứng nhìn một cách thờ ơ. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa cứng rắn, hành động phù hợp với quy luật chiến tranh”, ông Turchak nói.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế mà các nước phương Tây áp đặt lên Moscow nhằm đáp trả cuộc tấn công của Nga ở Ukraine bao gồm việc loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi SWIFT và đóng băng tài sản nước ngoài của các ngân hàng này, hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Nga
Ngày 7/3, chính phủ đã ban hành một sắc lệnh thanh toán bằng đồng rubble với các chủ nợ nước ngoài thuộc các quốc gia “không thân thiện”. Các công ty Nga muốn làm việc với các công ty thuộc các nước nằm trong danh sách này sẽ phải xin phép chính phủ.
Trước đó, đầu tháng 3, các quan chức Bộ Giao thông vận tải của Nga đã thảo luận về khả năng quốc hữu hóa các máy bay của Airbus và Boeing. Biện pháp này có thể được sử dụng như một cách chống lại lệnh trừng phạt của EU, theo đó cấm bán và cho thuê máy bay với các hãng hàng không Nga./.