Đảng cầm quyền Nhật Bản thảo luận sửa đổi Chiến lược an ninh quốc gia
VOV.VN - Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản hôm nay đã bắt đầu thảo luận về việc sửa đổi Chiến lược an ninh quốc gia lần đầu tiên kể từ khi được thông qua vào năm 2013, trong đó bao gồm cả khả năng tấn công căn cứ của đối phương trong trường hợp cần thiết.
Theo đó, Ủy ban nghiên cứu chung về an ninh và quốc phòng của Đảng Dân chủ tự do LDP bắt đầu thảo luận các vấn đề chiến lược trong dài hạn, đồng thời cũng xem xét để cập nhật hai tài liệu quốc phòng quan trọng là bản “Hướng dẫn Chương trình phòng thủ quốc gia” (NDPG) và “Chương trình phòng thủ trung hạn” (MTDP).
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera - một thành viên của ủy ban này cho biết, Ủy ban đã nhất quán về việc nếu bị tấn công bằng tên lửa, thì Nhật Bản phải ngăn chặn tên lửa từ lãnh thổ của đối phương. Theo ông Onodera, một số nhà lập pháp khác của LDP cũng cho rằng Nhật Bản có thể cần một chiến lược phòng thủ quốc gia mới phù hợp với chiến lược an ninh của Mỹ.
Dự kiến, việc sửa đổi Chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản sẽ tập trung vào an ninh kinh tế liên quan đến phát triển các công nghệ tiên tiến quan trọng và thiết lập chuỗi cung ứng cho các mặt hàng chiến lược. Ủy ban cũng sẽ thảo luận về các lĩnh vực phòng thủ mới của không gian vũ trụ, không gian mạng và phổ điện từ.
Ủy ban nghiên cứu chung về an ninh và quốc phòng của LDP dự định đưa ra một bản đề xuất sửa đổi vào khoảng tháng 5/2022, sau một loạt các cuộc thảo luận và điều trần với các chuyên gia.
Trong bối cảnh sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở các vùng biển xung quanh Nhật Bản và việc Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa đạn đạo, Thủ tướng Kishida Fumio từng nhấn mạnh Nhật Bản đang đối mặt với tình hình an ninh đáng lo ngại và sẽ xem xét “mọi phương án” để tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia, trong đó bao gồm cả việc đạt được khả năng tấn công các căn cứ của đối phương để đối phó với một cuộc tấn công sắp xảy ra./.