Đằng sau quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ khi áp đặt hạn chế thương mại lên Israel
VOV.VN - Thổ Nhĩ Kỳ, bên phản đối các hành động quân sự của Israel, tuyên bố nước này sẽ hạn chế xuất khẩu 54 loại sản phẩm sang Israel và quyết định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Những sản phẩm này bao gồm: nhôm, thép, các vật liệu xây dựng, nhiên liệu máy bay và phân bón hoá học. Đáp lại, Israel cho biết nước này cũng đang chuẩn bị lệnh cấm các sản phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Các thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết Israel đã cấm các máy bay chở hàng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch thả hàng viện trợ nhân đạo xuống Gaza và tuyên bố sẽ đáp trả bằng một loạt các biện pháp trả đũa tới khi có một lệnh ngừng bắn và cho phép viện trợ vào Gaza mà không bị gián đoạn.
"Israel không có lý do gì để ngăn cản nỗ lực của chúng tôi nhằm cung cấp viện trợ bằng đường hàng không cho những người đang chết đói ở Gaza", ông Fidan nói.
Chính phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rcep Tayyip Erdogan đang đối mặt với áp lực mạnh mẽ trong nước nhằm chấp dứt thương mại với Israel. Một số quan điểm chỉ trích cáo buộc chính quyền ông Erdogan đang hành động "tiêu chuẩn kép" khi vừa lên án mạnh mẽ Israel trong khi vẫn tiếp tục các mối quan hệ thương mại sinh lời.
Tổng thống Erdogan đã chỉ trích thẳng thắn về cách Israel đối xử với người Palestine kể từ khi nhậm chức vào năm 2003. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng cường chỉ trích Israel sau cuộc tấn công quân sự vào Gaza.
Trong một bài viết được đăng tải trên X, Ngoại trưởng Israel Katz cho biết Tổng thống Erdogan “một lần nữa hi sinh lợi ích kinh tế của người dân Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy sự ủng hộ của Hamas tại Gaza”. Bên cạnh đó, theo ông Katz, ông đã liên hệ với các tổ chức ở Mỹ và yêu cầu họ ngừng đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ cũng như hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ nước này.
Ông Hamish Kinnear, nhà phân tích cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi tại công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft có trụ sở tại Anh cho rằng, những tính toán trong nước là lý do đứng sau quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ khi áp các hạn chế thương mại lên Israel, đồng thời cho biết đảng cầm quyền của ông Erdogan đang cố gắng củng cố nền tảng cử tri sau những thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương
“Kết quả là thương mại song phương sẽ giảm, đặc biệt nếu Israel trả đũa bằng các biện pháp hạn chế thương mại. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã tính toán về các thiệt hại thương mại là xứng đáng với các tiềm năng nhận được từ sự hỗ trợ chính trị trong nước”, ông Kinnear nói.
Theo Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, xuất khẩu của nước này sang Israel là 5,4 tỷ USD năm 2023.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã bình thường hoá quan hệ bằng việc bổ nhiệm đại sứ giữa hai quốc gia vào năm 2022 sau nhiều năm căng thẳng.