Chuyện ít biết về những người Arab trong quân đội Israel đối đầu Hamas
VOV.VN - Bất chấp chiến sự tiếp diễn giữa Israel và phong trào Hồi giáo Arab Hamas ở Gaza, hiện vẫn có số lượng lớn quân nhân Arab đang phục vụ trong quân đội Israel.
Công dân Arab tại Israel thường được miễn nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hàng trăm người gốc Arab đã gia nhập quân đội Israel (tên chính thức là Lực lượng phòng vệ Israel, viết tắt bằng tiếng Anh là IDF). Trong năm 2021, có hơn 1.000 người Arab Hồi giáo phục vụ trong hàng ngũ IDF.
Gia tăng số lượng người Arab chiến đấu cho Israel
Khi chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza đã vượt mốc 6 tháng, cộng đồng quốc tế đang gia tăng áp lực lên các quan chức Israel phải chấm dứt cuộc chiến này.
Các cuộc biểu tình ồ ạt chống lại cuộc chiến tranh đó đã trở nên phổ biến ở các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Hà Lan. Cách nhìn nhận tích cực ở Mỹ về Israel đã giảm từ 68% vào năm 2023 xuống còn 58% hiện nay (2024) - mức thấp nhất trong 2 thập kỷ qua.
Người ta cũng nhận thấy xu hướng tương tự ở các quốc gia Arab, nơi danh tiếng của Israel đã giảm mạnh, với tỷ lệ 89% số người được hỏi phản đối ý tưởng bình thường hóa quan hệ với Israel do cuộc chiến khốc liệt tại Gaza.
Tuy vậy, điều thú vị là điều tương tự lại không xảy ra bên trong cộng đồng người Arab của đất nước Israel. Vào tháng 11/2023, tức là ngay sau khi Hamas mở những đợt tấn công đẫm máu vào khu vực miền Nam của Israel, nơi ít nhất 1.400 người đã bị tàn sát, một cuộc thăm dò dư luận xã hội cho thấy rằng 70% người Israel gốc Arab cảm nhận có sự kết nối với nhà nước và rằng các vấn đề của Israel khiến họ quan tâm. Trong khi đó, vào tháng 6/2023, chỉ có 48% người Arab là công dân Israel mới bày tỏ thái độ tương tự.
Tình cảm đó đã chuyển hóa thành sự gia tăng số người Israel gốc Arab đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Luật pháp Israel không bắt buộc người Israel gốc Arab phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Cộng đồng Arab chiếm khoảng 20% tổng dân số của Israel. Tuy nhiên, theo thời gian, một bộ phận của cộng đồng Arab đã tình nguyện phục vụ trong quân đội Israel.
Trong những năm gần đây, số lượng người Arab gia nhập quân đội Israel đã gia tăng. Trong các năm 2018 và 2019, lần lượt có 436 và 489 người Arab phục vụ trong IDF. Đến năm 2020, hơn 600 người Arab khoác lên mình bộ quân phục IDF.
Đến năm 2021, số quân nhân Arab tại Israel đã vượt mốc 1.000 người, bao gồm cả các quân nhân thuộc các đơn vị chiến đấu. Cuộc chiến với Hamas tại Gaza đã làm tăng con số này hơn nữa.
Haddad - một công dân gốc Arab tận tụy vì nhà nước Israel
Yoseph Haddad - một người Israel Arab đến từ thành phố Nazareth ở miền Bắc Israel, nằm trong số những người quyết định sát cánh cùng nhà nước Israel.
Vào năm 2003, khi 19 tuổi, Haddad phục vụ trong một đơn vị chiến đấu tinh nhuệ mang tên Golani. Ba năm sau đó, anh sang Lebanon, nơi Israel đang tiến hành một cuộc chiến trả đũa cho việc các chiến binh Hezbollah bắt cóc 2 quân nhân Israel. Tổ chức Hezbollah là nhóm du kích dòng Shiite thân Iran.
Trong quá trình chiến đấu cho IDF, Haddad bị thương và mất một bàn chân. Tuy nhiên, anh nói mình không bao giờ hối tiếc việc phục vụ Nhà nước Israel.
Haddad kể: “Lý do tôi quyết định nhập ngũ là vì quân đội của chúng tôi được đặt tên là Lực lượng phòng vệ Israel chứ không phải là Lực lượng phòng vệ Do Thái. Quân đội là dành cho tất cả mọi người. Nó bảo vệ tất cả chúng tôi, cả người Do Thái lẫn người Arab. Do vậy, phục vụ trong quân đội Israel đồng nghĩa với việc tôi phục vụ không chỉ cộng đồng của riêng mình mà còn tất cả các dân tộc của Israel”.
Nhớ lại những tháng ngày trong quân ngũ, Haddad cho biết anh gặp phải nhiều phản ứng khác nhau. Thỉnh thoảng, anh bị bắt nạt, bị quấy rối và bị gọi là kẻ phản bội vì đã bỏ quên sự nghiệp Palestine và đứng về bên bị nhiều người coi là kẻ chiếm đóng. Tuy nhiên, Haddad cho biết những người có định kiến như vậy chưa bao giờ phá vỡ được lòng quyết tâm và tinh thần của anh.
Haddad nói: “Tôi không bao giờ xấu hổ về quyết định của mình. Mỗi lần từ căn cứ trở về nhà, tôi đều bảo đảm chắc chắn rằng mình mặc quân phục. Tôi vẫn nhớ các em bé thường tiến lại gần tôi để hỏi han này nọ”.
Haddad kể tiếp: “Thời đó, những gì tôi làm là độc nhất vô nhị. Trong gia đình, tôi là người đầu tiên làm vậy. Nhưng tôi đã dọn đường cho nhiều người khác. Em gái tôi cũng đăng ký tòng quân kế tiếp tôi”.
Ngày nay, do thương tật trong Cuộc chiến Lebanon lần 2, Haddad không còn khả năng phục vụ trong lực lượng dự bị. Tuy nhiên, anh vẫn cống hiến thời gian của mình để cổ xúy cho Israel. Người ta thấy Haddad có mặt trong các studio để tranh cãi nảy lửa một cách trực diện, không úp mở với các nhà hoạt động thân Palestine. Hiện Haddad đang chu du khắp thế giới, tiến hành thuyết giảng quảng bá cho nhà nước Israel. Chính vì điều này, anh đã gặp phải không ít sự chỉ trích và quở trách.
Không nao núng trước các chỉ trích từ bên ngoài
Kể từ khi cuộc chiến Israel - Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023, truyền thông xã hội đã đăng tải nhiều video về những người lính Israel phá hỏng đồ đạc và xúc phạm dân thường. Về vấn đề này, Haddad có đưa ra những kiến giải của mình. Trước tiên, anh lên án hành động của các cá nhân đó. Anh cho rằng họ “làm trái với đạo đức của quân đội Israel” và họ chắc chắn sẽ bị truy tố và trừng phạt vì những hành động đó.
Haddad phân tích tiếp: “Chúng tôi là một đất nước nhỏ bé gồm 9 triệu dân. Hầu hết mọi gia đình ở Israel đều chịu ảnh hưởng từ loạt vụ tấn công ngày 7/10. Do vậy một số quân nhân hành động vì tức giận và mong muốn trả thù. Điều này không hay nhưng là một phản ứng khá tự nhiên”.
“Điều quan trọng là phải nhớ rằng tinh thần của IDF, từ người lính cấp thấp nhất đến người sĩ quan cấp cao nhất, lại không như vậy. Quân đội chúng tôi được coi là một trong các đội quân có đạo đức nhất trên thế giới và chúng tôi nỗ lực hết mình để không gây hại cho dân thường”.
Về số liệu do truyền thông quốc tế đưa ra về thương vong dân thường tại Gaza trong xung đột, Haddad cho rằng truyền thông đã bị dắt mũi bởi các thông tin do phía Hamas cung cấp.
Haddad giải thích: “Khi tôi nói với họ rằng IDF tiêu diệt 10.000 phần tử khủng bố, họ không tin tôi. Thế rồi họ đi trích dẫn các con số do Bộ y tế phía Palestine đưa ra, mà cơ quan này lại do nhóm Hamas kiểm soát. Điều đó có nghĩa là gì? Phải chăng họ tin vào nhóm đó hơn là vào một trong các quân đội đạo đức nhất thế giới? Như thế là đạo đức giả”.
Công dân gốc Arab này tin rằng cách tiếp cận mang tính thiên kiến đối với Israel như trên làm tổn hại chính uy tín của các mạng lưới tin tức “không chịu cung cấp cho công chúng thông tin tin cậy” về sự thật trên thực địa.
Vẫn lời của Haddad: “Họ không chịu nói về sự chung sống của người Do Thái và người Arab ở Israel. Họ cũng không đề cập thực tế là đa số người Israel gốc Arab phản đối Hamas và các tội ác của tổ chức đó”.
Với những phát ngôn như vậy, Haddad bị gắn danh hiệu “bộ trưởng ngoại giao công chúng trên thực tế của Israel”. Nhưng Haddad phủ nhận mình tham gia chính trị, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến Israel - Hamas vẫn đang diễn ra và 134 con tin Israel vẫn đang bị giam giữ tại Gaza.
Haddad khẳng định rõ quan điểm của mình: “Bây giờ chúng tôi cần tập trung ủng hộ IDF và đưa con tin trở về nhà. Mọi khả năng đều để ngỏ dù bất cứ điều gì xảy ra sắp tới”.
>> Xem thêm: Bất ngờ về người Hồi giáo Arab trong quân đội Israel