Dấu hiệu “Chiến tranh Lạnh ở những điểm nóng” tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?
VOV.VN - Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 13 diễn ra hôm nay (14/7) tại Jakarta (Indonesia) thu hút sự quan tâm đặc biệt của khu vực và quốc tế vì đây là diễn đàn duy nhất có sự tham gia của tất cả các quốc gia chủ chốt ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với một số nhận định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang trải qua dấu hiệu của “Chiến tranh Lạnh ở những điểm nóng”, các nước đều khẳng định nỗ lực để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực.
“Từ sự khác biệt, chúng ta có thể tạo ra sự hài hòa và thiết lập một chương trình nghị sự chung. Chúng ta có thể áp dụng tinh thần “Thống nhất trong đa dạng” trong các cuộc thảo luận. Hãy lắng nghe quan điểm và lo ngại của người khác, trung thực, không thành kiến và ác ý”.
Đây là khẳng định của Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tại bài phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 13 với nhiều vấn đề nóng khu vực đang nổi lên. Ngoại trưởng cho biết sự ngờ vực và không chắc chắn vẫn tồn tại, với những nhận định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang trải qua dấu hiệu của “Chiến tranh Lạnh ở những điểm nóng”.
Tuy nhiên các nước cần phải nhận thức rằng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang ở một thời điểm quan trọng, là khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu trong 30 năm tới, chiếm khoảng 60% dân số thế giới. Những phát triển quan trọng trong công nghệ, y tế và năng lượng tái tạo đang diễn ra hàng ngày nhưng khu vực vẫn chưa khai phá hết tiềm năng. Do đó Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không được là một khu vực xung đột, cần phải đóng góp không chỉ cho tăng trưởng mà còn cho hòa bình toàn cầu.
Để đảm bảo duy trì sự ổn định khu vực, Ngoại trưởng Retno kêu gọi các nước tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á đóng góp để đưa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực hòa bình, ổn định và bao trùm.
“Hãy tưởng tượng EAS như một đoàn tàu. Chúng ta không chặn đường của nhau, giúp nhau vượt qua các nút thắt. Chúng ta phải phục vụ với tư cách là những kỹ sư, chung tay xây dựng những cây cầu, khơi dậy niềm tin và tạo nên một kiến trúc khu vực bao trùm. Chắc chắn vẫn còn tồn tại sự khác biệt nhưng việc biến khác biệt thành sự chia rẽ hay thành sức mạnh để tạo nên sự thống nhất trong đa dạng là tùy thuộc vào hành động của mối quốc gia”.
Tại hội nghị các nước tái khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa EAS với tư cách là một diễn đàn để đối thoại về các vấn đề chiến lược, chính trị và kinh tế với mối quan tâm chung vì mục đích thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng kinh tế trong khu vực. Các nước cam kết đảm bảo việc theo dõi hiệu quả Chiến lược Hà Nội - Tuyên bố kỷ niệm 15 năm EAS nhằm tăng cường hoạt động hiệu quả của EAS, thông qua Kế hoạch Hành động EAS (2024-2028) để tăng cường hơn nữa hợp tác EAS trong 5 năm tới.
Các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiềm chế các hành động khiêu khích và tôn trọng các mục đích và nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, TAC, các mục tiêu và nguyên tắc của Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không phổ biến vũ khí hạt nhân, ngăn ngừa tính toán sai lầm, đối đầu, xung đột. Các nước khẳng định cam kết trong việc duy trì khu vực này như một tâm điểm của tăng trưởng.