Dịch Covid-19 khiến kinh tế và chính trị thế giới “chao đảo”
VOV.VN - Dịch Covid-19 hiện đã lan ra ngoài phạm vi sức khỏe cộng động khi có những tác động không nhỏ đến kinh tế và chính trị thế giới.
Dịch Covid-19 hiện đang ảnh hưởng đến 119 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với 119.246 người mắc bệnh và gần 4.300 ca tử vong. Trong khi các chuyên gia y tế đang nỗ lực để hạn chế virus lây lan và đưa ra các phương pháp điều trị, tác động của Covid-19 hiện đã lan ra ngoài phạm vi sức khỏe cộng đồng. Từ Vũ Hán đến Washington, SARS Cov-2 đang có tác động không nhỏ trong lĩnh vực kinh tế và chính trị.
Dịch Covid-19 hiện đã lan ra ngoài phạm vi sức khỏe cộng động khi có những tác động không nhỏ đến kinh tế và chính trị thế giới. Ảnh: Reuters |
Tác động kinh tế rõ ràng nhất phải kể đến tâm dịch Trung Quốc- nơi đã áp dụng một chế độ kiểm dịch nghiêm ngặt chưa từng được thực hiện trong nhiều thập kỷ qua. Không chỉ Vũ Hán - một thành phố với hơn 10 triệu dân, mà phần lớn đất nước đã phải thực hiện chế độ kiểm dịch với mức độ nghiêm khắc khác nhau, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, dịch vụ và du lịch.
Là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, một cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc cũng có hiệu ứng toàn cầu, khi khách du lịch Trung Quốc bị hạn chế, người tiêu dùng Trung Quốc hạn chế sức mua và các nhà máy Trung Quốc không cung cấp hàng cho thị trường toàn cầu.
Tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế không dừng lại ở Trung Quốc. Có thể đánh giá về tác động toàn cầu từ những quốc gia mà virus lây lan đầu tiên sau khi vượt biên giới đó là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông Joo Won – Giám đốc Viện nghiên cứu Huyndai tại Hàn Quốc nhận định: “Covid-19 là cú sốc đối với nền kinh tế Trung Quốc và dịch bệnh này cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc từ tháng 2. Hàn Quốc phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu. Nếu tiếp tục xu hướng này tiến đến Mỹ, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng mạnh”.
Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc KDI mới đây nhận định, nền kinh tế Hàn Quốc đang xuống dốc không phanh vì Covid-19. Tỉ lệ xuất khẩu sang Trung Quốc giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước ít khiến nền kinh tế nước này đang chậm dần lại. Một số tổ chức nước ngoài thậm chí cảnh báo Hàn Quốc tăng trưởng âm trong quý I.
Khi virus lây lan sang châu Âu, tác động cũng tương tự. Italy đang trở thành ổ dịch lớn thứ 2 sau Trung Quốc với quyết định phong tỏa toàn bộ 60 triệu dân. Italy là một trong những quốc gia châu Âu có ít khả năng đối phó với sự sụp đổ kinh tế nhất do gánh nặng nợ công. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã cắt giảm lãi suất chính xuống mức âm, do đó khó có thể theo chân Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong việc giảm lãi suất để đối phó với khủng hoảng.
Theo một viễn cảnh tồi tệ nhất của Tạp chí kinh tế hàng đầu Bloomberg Economics, dịch bệnh có thể khiến nền kinh tế toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, với suy thoái ở Mỹ, khu vực đồng euro và Nhật Bản, GDP Trung Quốc thấp kỷ lục và tổn thất lên đến 2.700 tỷ USD. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mới đây cũng cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu từ 2,9% xuống còn 2,4% và cảnh báo có thể giảm xuống 1,5% do dịch Covid-19.
Chuyên gia phân tích thị trường của Ngân hàng Baader tại Đức ông Robert Halver hi vọng về các biện pháp kích thích kinh tế sẽ được đưa ra: “Nền kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ đi xuống. Có một số quốc gia, như Italy và Pháp, sẽ rơi vào suy thoái. Đức cũng sẽ trải qua suy thoái kỹ thuật. Điều cần làm gấp là phải chi nhiều hơn để tránh điều tồi tệ nhất xảy ra. Chúng ta đã có bài học khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009, báo hiệu thế giới sẽ chứng kiến hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế sắp tới”.
Các tác động chính trị của virus corona chủng mới với các nền kinh tế phát triển có thể lớn như các hiệu ứng kinh tế. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, Thủ tướng Nhật Bản Shinzō Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đối mặt với nhiều chỉ trích gay gắt vì chưa có biện pháp hiệu quả chống Covid-19, khiến các trường hợp gia tăng mạnh. Có dự đoán khả năng Thủ tướng Shinzo Abe phải buộc rời khỏi vị trí sớm hơn dự kiến, nếu virus corona gây ra suy thoái kinh tế tại quốc gia này.
Trong khi đó, với con số nhiễm mới tăng từng ngày tại Mỹ, buộc nước này phải đưa ra biện pháp mạnh tay để đối phó với khủng hoảng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - niềm tự hào của Tổng thống Trump. Điều này có thể tác động đến cơ hội tái đắc cử của ông trong cuộc bầu cử sắp tới. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng đang phải đối mặt với một kiến nghị có chữ ký của hàng trăm nghìn người buộc ông phải từ chức do xử lý khủng hoảng chưa hiệu quả.
Thế giới đang chao đảo vì virus SARS-CoV-2. Truyền thông quốc tế dày đặc thông tin về Covid-19, trong khi chứng khoán thế giới đỏ lửa do lo ngại viễn cảnh kinh tế ảm đạm. Hàng loạt các biện pháp mạnh tay đang được chính phủ các nước đưa ra với hi vọng có thể tận dụng “ thời gian vàng” trước khi dịch vượt ngoài tầm kiểm soát trên mọi lĩnh vực./.
Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu