Dịch Covid-19: Những “kỷ lục” không mong muốn liên tiếp được thiết lập
VOV.VN - Trong khi Mỹ vượt Trung Quốc về số ca mắc Covid-19 thì tại các quốc gia khác, những kỷ lục “không ai mong muốn” liên tiếp được thiết lập.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là hơn 531.000 người, số ca tử vong là hơn 24.000 người. Đại dịch Covid-19 hiện đã lan tới 199 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hôm qua (26/3), Mỹ đã chính thức vượt Italy và Trung Quốc để trở thành quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 đứng đầu thế giới. Trong khi, tại những quốc gia khác, các cột mốc bi thảm, những kỷ lục “không ai mong muốn” liên tiếp được thiết lập theo ngày.
Trong khi Mỹ vượt Trung Quốc về số ca mắc Covid-19 thì tại các quốc gia khác, những kỷ lục “không ai mong muốn” liên tiếp được thiết lập. Ảnh: Reuters |
Với 17.000 ca nhiễm mới trong 1 ngày, đến nay, Mỹ đã ghi nhận hơn 85.000 ca nhiễm Covid-19, vượt xa tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc (81.340) và Italy (hơn 80.000). Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, số ca nhiễm tăng nhanh là kết quả của việc xét nghiệm số lượng nhiều mà chính quyền Mỹ đang làm.
“Các bạn hãy chờ xem. Các số liệu thống kê này chỉ là bằng chứng cho số lượng xét nghiệm Covid-19 mà chúng tôi đang tiến hành. Chúng tôi đã xét nghiệm một số lượng rất lớn”, ông Trump cho biết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tồi tệ hơn ở quốc gia đông dân thứ 3 trên thế giới này với số ca nhiễm tăng nhanh hàng ngày. Theo một nghiên cứu của trường Đại học Washington, Mỹ sẽ có thể có khoảng 38.000-162.000 người tử vong trong vòng 4 tháng tới bởi dịch Covid-19 và các bệnh viện tại quốc gia này có thể sẽ bị quá tải vào tuần thứ 2 của tháng 4.
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục bùng phát nhanh chóng, tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc cân nhắc nới lỏng biện pháp “giữ khoảng cách vật lý” và “đưa người lao động quay trở lại làm việc” đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các chuyên gia y tế cũng như giới chức trách nước này. Họ cho rằng, quyết định này sẽ khiến nước Mỹ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế còn tồi tệ hơn nữa.
Dù Mỹ đang có số ca mắc nhiều nhất thế giới, song Italy vẫn là quốc gia có số ca tử vong đứng đầu, với 8.215 người. Tuy nhiên, số ca tử vong ở quốc gia này trong 24 giờ qua (là 712 người) đã bị Tây Ban Nha vượt qua khi xứ sở bò tốt ghi nhận tới 718 ca tử vong mới. Hiện Đức cũng là quốc gia châu Âu có số ca nhiễm Covid-19 cao trên thế giới, với gần 44.000 ca nhiễm và 267 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, con số này cũng cho thấy tỷ lệ tử vong đối với người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đức hiện chỉ ở khoảng 0,5% - đây là một con số tương đối thấp và đáng ngạc nhiên khi so sánh với các quốc gia khác.
Dẫu vậy, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn hôm qua vẫn cảnh báo, đây có thể mới chỉ là “khoảng lặng trước cơn bão” và không ai có thể nói chính xác điều gì sẽ đến trong những tuần tới.
“Hiện tại, chúng tôi không thể đưa ra khẳng định chắc chắn liệu tỷ lệ lây nhiễm có giảm ở Đức hay không. Chúng ta vẫn thấy rằng có nhiều trường hợp mới được chẩn đoán và báo cáo. Nhưng có sự khác biệt khu vực lớn giữa các bang và quận. Một số quận nhỏ lẻ có trường hợp nhiễm cao”.
Hiện cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ Y tế Đức đều cho rằng điều cần thiết hiện nay là tiếp tục làm chậm sự lây lan của virus, đồng thời cảnh báo còn quá sớm để nói về việc nới lỏng những hạn chế tiếp xúc.
Còn Anh hôm qua (26/3) đã lần đầu tiên ghi nhận hơn 100 ca tử vong trong vòng 24 giờ. Trong khi các nước Nga, Croatia, Kenya, Armenia, Venezuela và Kazakhstan đã thông báo ca tử vong đầu tiên.
Hiện Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng đang kêu gọi các quốc gia châu Phi chuẩn bị cho kịch bản xấu về khả năng dịch bệnh có thể lan rộng ra tại đây; đồng thời cảnh báo cơ hội kiểm soát dịch “đang hẹp lại” theo từng ngày. Chính phủ các quốc gia châu Phi cần đẩy mạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức cho người dân về việc giãn cách vật ly giữa con người; chuẩn bị tốt các trang thiết bị y tế đối phó dịch bệnh cũng như triển khai thêm các biện pháp cần thiết khác, bao gồm cả việc cho tạm ngừng các hoạt động hàng không.
Được đánh giá là quốc gia đã kiểm soát tốt dịch, song Trung Quốc đến nay vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới, song hầu hết đều là những ca nhiễm “nhập khẩu”. Chính vì vậy, hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nước này sẽ tạm dừng nhập cảnh đối với công dân nước ngoài, kể cả những người có thị thực hoặc giấy phép cư trú bắt đầu từ giữa đêm 28/3, nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, quy định ngoại lệ dành cho những người có hộ chiếu ngoại giao, nhân viên làm công tác nhân đạo khẩn cấp, những người làm công tác kinh tế, thương mại, khoa học hoặc công nghệ cần thiết và một số loại visa đặc biệt khác./.
G20 cam kết “làm mọi thứ” giúp thế giới vượt qua đại dịch Covid-19