Dịch Covid-19: Các nước EU mâu thuẫn trong vấn đề mở lại biên giới
VOV.VN - Các nước EU mâu thuẫn về vấn đề mở cửa lại biên giới trong bối cảnh mức độ dịch bệnh Covid-19 giữa các nước có nhiều khác biệt.
Nhằm giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế do lệnh phong tỏa kéo dài suốt 2 tháng qua, các bộ trưởng du lịch trong Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về lộ trình dần mở lại biên giới và khôi phục ngành du lịch vào mùa hè theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC).
Ông Gari Capelli, Bộ trưởng Du lịch Croatia, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU cho rằng, cần thảo luận thêm về cách áp dụng “gói các biện pháp về du lịch” vì châu Âu không thể liều lĩnh chấp nhận rủi ro sau khi vừa trải qua hơn một tháng phong tỏa. Theo ông, các nước cần mở lại biên giới một cách có trách nhiệm bằng cách ký các thỏa thuận song phương, nhất là giữa các nước có cùng cấp độ dịch bệnh, để đảm bảo dịch không bùng phát trở lại. Đối với những nước có diễn biến dịch nguy hiểm thì cần làm thận trọng hơn và nên mở lại biên giới sau các nước khác.
Tuyên bố của ông Capelli đưa ra sau khi một số nước trong EU có cách tiếp cận khác nhau đối với lộ trình việc mở cửa biên giới. Mục tiêu của Pháp là mở lại biên giới nội bộ EU từ ngày 15/6, nhưng phải đảm bảo tránh để xảy ra mở cửa ở nhiều tốc độ khác nhau. Trong khi đó, Áo tuyên bố sẽ mở lại hoàn toàn biên giới với Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary từ ngày 15/6, qua đó nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới với các quốc gia láng giềng phía đông này sau khi đã đạt được thỏa thuận tương tự với một số nước láng giềng phía Tây, gồm Đức, Thụy Sĩ và Liechtenstein.
Tương tự, Đức cũng cho biết, nước này sẽ dừng các biện pháp kiểm soát biên giới với Đan Mạch trong một vài ngày tới và từ ngày 15/6, nước này cũng sẽ không tiến hành kiểm tra tại khu vực biên giới với Pháp, Áo và Thụy Sĩ. Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh, việc mở cửa biên giới cần tiến hành một cách cẩn trọng.
“Rất nhiều quốc gia ở châu Âu phụ thuộc mạnh mẽ vào du lịch, nhất là trong dịp hè, trong đó có Đức. Vì vậy có thể hiểu rằng, rất nhiều quốc gia hy vọng có các giải pháp song phương với Đức trong việc mở cửa biên giới. Tuy nhiên, điều này cần phải thực hiện một cách có trách nhiệm”.
Cuộc họp diễn ra sau khi Uỷ ban châu Âu có đề xuất các quốc gia thành viên mở lại biên giới nội khối, đồng thời khởi động lại các hoạt động đi lại và du lịch. Theo ông Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, việc này để người dân thấy rằng cuộc sống đang dần trở lại bình thường.
“Khi nói đến việc mở cửa lĩnh vực du lịch và khách sạn, không có chỗ cho sự phân biệt đối xử. Theo khuyến nghị của Ủy ban, các khu vực và quốc gia thành viên có hồ sơ dịch tễ tương tự, có thể sử dụng giai đoạn trung gian này để bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế biên giới nội bộ một cách có trật tự và không phân biệt đối xử nhằm tạo ra sự an toàn cho cả du khách và ngành du lịch”.
Theo dự kiến, Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ Thierry Breton sẽ trình bày gói các biện pháp tài chính hỗ trợ ngành du lịch ở các nước bị ảnh hưởng nặng nhất vào ngày 27/5 tới./.