Diễn biến chiến sự Mali và phản ứng của quốc tế
(VOV) - Trong lúc Pháp can thiệp, quân nổi dậy đã áp dụng luật Hồi giáo ở những nơi mình kiểm soát.
Máy bay của quân đội Pháp tiếp tục tiến hành các đợt không kích trong suốt đêm 17/1, nhằm vào các mục tiêu quân sự, nằm dưới quyền kiểm soát của các tay súng Hồi giáo tại Mali.
Các đợt không kích của quân Pháp bước sang ngày thứ 4 liên tiếp, với sự hỗ trợ kỹ thuật của quân đội Mỹ, nhiều khí tài quân sự do Anh mới bổ sung. Trong khi tăng quân số có mặt tại Mali lên hơn 2.500 người, quân Pháp tiếp tục tác chiến cùng quân chính phủ Mali ở một số điểm quanh Diabaly- một thị trấn miền trung Mali, cách thủ đô Bamako 400km về phía bắc.
Những cuộc giao tranh giữa 2 bên vẫn tiếp diễn ngay cả khi các gia đình, phụ nữ và trẻ em dắt díu nhau bỏ trốn, trong bối cảnh các khu nhà tránh đạn đã bị đánh sập.
Phi đội không quân Pháp (ảnh: The Australian) |
Nguồn tin quân sự Pháp khẳng định các đợt oanh kích chỉ nhằm vào các mục tiêu là quân nổi dậy, sau khi các tay súng Hồi giáo chiếm căn cứ quân sự của chính phủ, nằm ở ngoại ô thị trấn này.
Quân nổi dậy đã yêu cầu, thậm chí ngăn cản người dân thị trấn này rời nhà ở của mình. Tại đây, các tay súng Hồi giáo đã áp đặt luật Sharia, cấm người dân nghe nhạc, hút thuốc lá, uống rượu và xem thể thao. Quân nổi dậy cũng phá hủy nhiều ngôi mộ cổ và các di sản lịch sử Timbuktu.
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 17/1 khẳng định, việc can dự vào tình hình Mali là "quyết định cần thiết".
“Tại đó có những mạng lưới khủng bố, theo đó tiếp sau những gì xảy ra tại Liby vào năm ngoái, những kẻ này đã xây dựng được những cơ sở rộng lớn tại Tây Phi và đang cố gắng gây bất ổn định trong khu vực và tiến hành các hoạt động buôn lậu vũ khí,” ông Hollande nói. “Nhiệm vụ của chúng ta là phải chấm dứt tình trạng này và Pháp có trách nhiệm trong sứ mệnh này.”
Trong khi đó, nhiều nhân vật chính trị Pháp bắt đầu thể hiện quan điểm về sự hiện diện của Pháp tại Mali.
Cựu Thủ tướng Pháp, Alain Juppe tỏ ra thận trọng: “Chúng ta đã chuyển sang một giai đoạn mới của chiến dịch can dự quân sự. Chúng ta đang phải đối mặt với những nguy cơ thiệt hại cực kỳ cao. Tôi e ngại chúng ta đã đặt mình vào một thái cực mà chúng ta sẽ cần phải cực kỳ tập trung để đảm bảo kiểm soát tình hình tốt nhất.”
Chủ tịch đảng UMP, Jean Francois Cope, tỏ ra "e ngại về việc Pháp đang bị cô lập".
Tuy nhiên, ông Bernard Kouchner, cựu Ngoại trưởng Pháp lại bày tỏ thái độ đồng tình với việc Pháp can thiệp vào Mali.
“Hoàn toàn đúng, đó là một quyết định hoàn toàn hợp lý, dù rất khó khăn. Bởi chúng ta được yêu cầu có mặt bởi những người bạn, ý tôi muốn nói là người dân Mali,” lời ông Kouchner. “Tất nhiên, không phải ai cũng thích thú với điều đó, bởi tôi biết một số người Mali ủng hộ quân nổi dậy. Nhưng, cả châu Phi đã kêu gọi chúng ta, cộng đồng quốc tế đang ủng hộ. Tôi không thấy có lời phản đối nào. Chúng ta có bổn phận phải ở đó, nhưng không phải chúng ta là người đi đầu, mà đó cần phải là châu Phi, người dân Mali với sứ mệnh giải quyết vấn đề nội bộ.”
Dù vậy, ông Kouchner cũng tỏ ý e ngại về sự chần chừ của một số nước đồng minh, trong việc hỗ trợ tích cực, hiệu quả quân đội Pháp trong các chiến dịch tại Mali.
Hôm 17/1, Tòa án tội phạm quốc tế cho biết tòa này bắt đầu tiến hành cuộc điều tra tội phạm chiến tranh, sau khi nhận được nhiều báo cáo về việc dân thường bị hành quyết và tra tấn do không bất tuân các quy định hà khắc. Các quốc gia như Đức, Bỉ và Canada đã cam kết sẽ ủng hộ các chiến dịch quân sự của Pháp, trong đó có việc lập cầu hàng không vận tải khí tài quân sự. Italia cam kết sẽ tham gia điều phối các hoạt động quân sự. Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton, khẳng định sẽ "hỗ trợ tình báo và các hoạt động không vận" cho các hoạt động quân sự tại Mali. Cuối tuần này, các sĩ quan huấn luyện của Mỹ sẽ đến châu Phi để "hỗ trợ huấn luyện quân sự" cho binh lính các nước châu Phi tới hỗ trợ chính phủ Mali.
Cũng trong ngày 17/1, Ngoại trưởng các nước liên minh châu Âu đã nhóm họp và nhất trí sẽ có "phái đoàn quân sự huấn luyện cho quân đội Mali". Phái đoàn này sẽ ở lại trong 15 tháng. Vào tháng tới, khoảng 450 lính không tham chiến sẽ được triển khai tại Mali để tiến hành các hoạt động huấn luyện quân sự./.