Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 10/6
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 10/6.
Ukraine áp đặt trừng phạt đối với Tổng thống Putin và một số quan chức Nga. Theo sắc lệnh được Tổng thống Zelensky ký, các biện pháp trừng phạt áp dụng đối với các lãnh đạo cao nhất của Nga như Tổng thống Vladimir Putin, Thủ tướng Mikhail Mishustin, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu…
Ukraine cũng đưa hơn một nửa số trường đại học Nga và người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học vào danh sách trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt gồm phong tỏa tài sản, hạn chế hoạt động thương mại và ngăn chặn việc rút tài sản khỏi Ukraine... và được áp dụng vô thời hạn.
Tổng thống Putin nói trừng phạt của phương Tây “gậy ông đập lưng ông”. Phát biểu trước một nhóm doanh nhân trẻ ở Moscow, Tổng thống Nga Putin đã chỉ ra hậu quả kinh tế của các lệnh trừng phạt chống Nga đối với chính các quốc gia đã áp đặt chúng.
“Họ hạn chế xuất khẩu phân bón của Nga, nhưng giá cả của họ tăng cao hơn nhiều so với ở Nga. Họ tìm cách hạn chế xuất khẩu năng lượng của chúng ta, giá của họ cũng tăng cao. Họ thậm chí còn cố gắng đổ lỗi cho tôi vì lạm phát, nhưng thực tế là chúng ta hoàn toàn không liên quan gì đến điều đó!” ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận việc sản xuất hàng hóa trong nước để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây không phải là cách làm hiệu quả và Nga đang tìm kiếm các đối tác thương mại mới.
Ông Putin khẳng định, thay thế nhập khẩu không phải là thuốc chữa bách bệnh. Tổng thống Putin cho rằng Nga không có ý định tự cung tự cấp, cam kết chính quyền sẽ tìm cách hợp tác "với những nước có thể hợp tác".
>> Tổng thống Putin nói trừng phạt của phương Tây “gậy ông đập lưng ông”
Mỹ thừa nhận Nga thu lợi nhiều hơn sau các lệnh trừng phạt. Cố vấn cấp cao của Mỹ về an ninh năng lượng toàn cầu cho biết, Nga đang thu lợi từ giá và khí đốt tăng cao.
Ông Amos Hochstein, đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ về an ninh năng lượng, nói rằng Nga hiện đang kiếm được nhiều tiền hơn từ hoạt động bán nhiên liệu hóa thạch so với trước khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo ông, giá năng lượng toàn cầu đã tăng và còn bị thúc đẩy hơn nữa bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã giúp Moscow giảm bớt tác động của các hạn chế từ phương Tây.
Giao tranh ác liệt ở Severodonetsk, Ukraine hiện kiểm soát 1/3 thành phố. Các lực lượng Ukraine đang giữ tuyến phòng thủ, giao tranh liên tục xảy ra trên đường phố.
“Tình hình nhân đạo trong thành phố đang rất nguy kịch. Cây cầu bị cháy nên không thể chuyển hàng hóa. Không có nguồn cung cấp nước. Lực lượng vũ trang Ukraine hiện kiểm soát khoảng 1/3 thành phố”, Oleksandr Striuk, người đứng đầu chính quyền quân sự của Severodonetsk cho biết, đồng thời nhấn mạnh sẽ rất khó có thể giải phóng Severodonetsk nếu thành phố thất thủ.
Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng số phận của khu vực Donbass được quyết định trong cuộc chiến tại thành phố Severodonetsk.
Ông cũng kêu gọi các lực lượng nước này đẩy lùi những bước tiến của Nga – vốn đang làm mờ đi triển vọng giành chiến thắng của Ukraine trong một cuộc chiến đang rơi vào bế tắc.
>> Ông Zelensky: Số phận Donbass được quyết định trong trận chiến ở Severodonetsk
Moscow sẽ đáp trả ngay lập tức nếu Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công Nga, người đứng đầu phái đoàn Nga phụ trách đàm phán về an ninh quân sự và kiểm soát vũ trang tại Vienna, ông Konstantin Gavrilov tuyên bố.
“Chúng tôi đặc biệt chú ý đến việc Ukraine được cung cấp các lựu pháo tầm xa, Hệ thống Tên lửa Pháo binh cơ động cao (HIMARS) và Hệ thống phóng tên lửa hàng loạt (MLRS). Đây là những hệ thống không chỉ đe dọa đến Donbass mà còn cả Nga. Chúng tôi đã khẳng định rõ lập trường của mình rằng: Nếu Nga bị tấn công bằng các hệ thống tầm xa này, phản ứng nhằm vào các trung tâm ra quyết định sẽ diễn ra ngay lập tức", quan chức Nga nhấn mạnh.
Ukraine triển khai tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ sản xuất. Thông tin được Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov đưa ra.
Theo ông Alexey Reznikov, khả năng phòng thủ ven biển của Ukraine đã được tăng cường nhờ các hệ thống Harpoon cực kỳ hiệu quả. Những hệ thống này cùng với tên lửa Neptune do Ukraine sản xuất đã buộc “hạm đội của đối phương phải giữ khoảng cách để tránh kết cục tương tự như soái hạm Moskva thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga”.
Nga vẫn cung cấp khí đốt đều đặn tới châu Âu. Lượng khí đốt của Nga vận chuyển tới châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và qua Ukraine vẫn duy trì ổn định, trong khi khối lượng vận chuyển qua đường ống Yamal-Châu Âu từ Đức tới Ba Lan tăng đáng kể.
Ukraine tuyên bố tấn công vị trí quân sự của Nga ở Kherson, một trong những khu vực đầu tiên Moscow giành quyền kiểm soát ngay sau khi phát động chiến dịch quân sự cuối tháng 2.
Các lực lượng Ukraine đã tiến hành “một loạt cuộc tấn công nhằm vào căn cứ của đối phương, các khu vực tập trung thiết bị và binh sỹ, các kho dã chiến xung quanh 5 khu định cư khác nhau ở Kherson”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết. Ukraine cũng tiến hành một chiến dịch phản công nhằm giành lại lãnh thổ ở Kherson.
Đan Mạch và Hà Lan phản đối tư cách ứng cử viên EU của Ukraine. Bloomberg dẫn nguồn tin từ một số quan chức cho biết, trong khi đa số các quốc gia thành viên EU sẵn sàng ủng hộ việc trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine, một số nước, trong đó có Hà Lan, lại phản đối điều này.
Các quan chức Đan Mạch được cho là lo ngại về vấn đề tham nhũng và pháp quyền của Ukraine. Theo một công hàm ngoại giao do Bloomberg tiết lộ, Đan Mạch nói rằng Ukraine cần phải “cải thiện khuôn khổ lập pháp và thể chế” trong các lĩnh vực dân chủ, pháp quyền, nhân quyền, bảo vệ người thiểu số và các chính sách chống tham nhũng, trước khi được cân nhắc về tư cách ứng cử viên EU.
Lãnh đạo NATO tin tưởng Thụy Điển và Phần Lan sẽ gia nhập liên minh. Phó Tổng Thư ký NATO Mircea Geoana bày tỏ tin tưởng Thụy Điển và Phần Lan sẽ gia nhập liên minh quân sự này bất chấp sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi được hỏi về việc đảm bảo an ninh cho Thụy Điển và Phần Lan trong giai đoạn trước khi 2 nước trở thành thành viên chính thức của NATO, ông Geoana nói rằng ông không nhận thấy bất kỳ rủi ro thực sự nào từ Nga đối với cả Stockholm và Helsinki./.