Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 11/12
VOV.VN - 24 giờ qua ghi nhận nhiều diễn biến quan trọng liên quan đến xung đột tại Ukraine, trong đó đáng chú ý là việc Nga nói Ukraine sử dụng tên lửa HIMARS tấn công thành phố Melitopol.
Nga nói Ukraine sử dụng tên lửa HIMARS tấn công thành phố Melitopol: Chính quyền do Nga thành lập tại khu vực khu vực vừa cho biết Ukraine đã tấn công thành phố Melitopol vào đêm 10/12 (giờ địa phương).
Theo các nhà chức trách địa phương, cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine nhằm vào thành phố Melitopol, phía Đông Nam đã khiến 2 người thiệt mạng, 10 người bị thương. Trong thông báo trên Telegram, Thống đốc Zaporizhzhia, ông Yevgeny Balitsky do Moscow bổ nhiệm cho biết: “Các hệ thống phòng không đã phá hủy 2 tên lửa, nhưng 4 tên lửa đã bắn trúng mục tiêu”.
EU thông qua gói tín dụng hỗ trợ Ukraine trị giá 18 tỷ euro: Hôm qua (10/12), Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua văn bản đồng ý cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ tín dụng trị giá 18 tỷ euro (18,9 tỷ USD) trong năm 2023.
Tuyên bố của cơ quan này nêu rõ: “Hội đồng đã đạt được nhất trí về gói lập pháp cho phép EU hỗ trợ Ukraine về mặt tài chính trong năm 2023 với 18 tỷ euro. Đề xuất được Hội đồng thông qua bằng văn bản và sẽ được đệ trình lên Nghị viện châu Âu để xem xét phê chuẩn trong tuần tới”.
Hơn 1,5 triệu người ở Odessa (Ukraine) bị mất điện do xung đột: Hơn 1,5 triệu người ở khu vực Odessa (Ukraine) đang hứng chịu tình trạng mất điện. Phát biểu trong video ngày 10/12 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Zelensky cáo buộc đây là kết quả của việc UAV Nga tập kích hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Ông Zelensky nói: “Chìa khóa ngày hôm nay là năng lượng. Tình hình ở khu vực Odessa rất khó khăn. Sau cuộc tập kích ban đêm - cuộc tập kích sử dụng máy bay không người lái (UAV) của Iran, Odessa và các thành phố và làng mạc khác trong khu vực chìm trong bóng tối. Tính đến thời điểm này, hơn 1,5 triệu người ở vùng Odessa không có điện. Chỉ có cơ sở hạ tầng quan trọng được kết nối và cung cấp điện nhiều nhất có thể.”
Nga bổ sung 200 công dân Canada vào danh sách trừng phạt: Bộ Ngoại giao Nga vừa đưa thêm 200 công dân Canada vào danh sách trừng phạt, với hình thức cấm nhập cảnh vô thời hạn vào Liên bang Nga.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, quyết định mở rộng trừng phạt các cá nhân của Canada “trên cơ sở có đi có lại, nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt cá nhân do Canada áp đặt đối với các quan chức, quân nhân, thẩm phán, nhân viên thực thi pháp luật và nhân vật của công chúng Nga”.
Trong số những người bị trừng phạt lần này có các quan chức cấp cao của Canada, các nghị sĩ đã nghỉ hưu và đương nhiệm, các quan chức thực thi pháp luật, đại diện của giới chuyên gia, cũng như “các nhà hoạt động phục vụ trực tiếp cho đường lối bài Nga của chính quyền Canada”.
Ukraine tuyên bố sẵn sàng tấn công vào lãnh thổ Nga: Theo Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Danilov, Ukraine có tất cả các phương tiện, vũ khí để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Ngày 10/12, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov cho biết, Ukraine sẵn sàng tấn công các vùng lãnh thổ của Nga trong trường hợp Nga tiếp tục tấn công Ukraine.
Theo Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Danilov, Ukraine có tất cả các phương tiện, vũ khí để tấn công vào lãnh thổ Nga, nếu lực lượng vũ trang Nga tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công tên lửa lớn vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Đức giải thích lý do từ chối đưa tên lửa Patriot đến Ukraine: Berlin cho biết, họ không thể tự quyết định số phận hệ thống tên lửa Patriot vì chúng là một phần của hệ thống phòng thủ tập thể NATO.
Theo RT, Berlin đã giải thích tại sao họ từ chối đề xuất của Warsaw về việc cung cấp các hệ thống tên lửa đất đối không MIM-104 Patriot do Mỹ sản xuất cho Ukraine.
Tobias Lindner, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Đức, nói nước này không có thẩm quyền làm điều đó một mình.
Vị quan chức này giải thích, tên lửa Patriot là một phần của "hệ thống phòng thủ tập thể" của NATO. Berlin không thể dễ dàng chuyển giao cho bên thứ ba như Ukraine. Thay vào đó, Đức đề nghị tăng cường an ninh cho Ba Lan bằng cách gửi các hệ thống phòng không đến biên giới phía đông của NATO.
Nga hoan nghênh Ấn Độ không ủng hộ áp giá trần dầu mỏ: Nga vừa qua đã hoan nghênh quyết định của Ấn Độ trong việc không ủng hộ cơ chế áp mức giá trần đối với dầu Nga do nhóm các nước G7 đưa ra.
Tuyên bố này được đưa ra trong cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak và Đại sứ Ấn Độ tại Nga Pavan Kapoor, diễn ra ngày 9/12 tại thủ đô Moscow./.