Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 13/2
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 13/2/2025.
Tổng thống Zelensky đề xuất kế hoạch trao đổi lãnh thổ với Nga: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang đề xuất trao đổi lãnh thổ bị chiếm giữ với Nga như một phần của bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào nhằm chấm dứt xung đột.
"Chúng tôi sẽ đổi một lãnh thổ này lấy một lãnh thổ khác", ông Zelensky trả lời phỏng vấn với The Guardian.
Đề xuất ông Zelensky được đưa ra khi Tổng thống Trump đang đặt nền móng cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2/2022.
![diễn biến chính tình hình chiến sự nga - ukraine ngày 13 2 hình ảnh 1 dien bien chinh tinh hinh chien su nga - ukraine ngay 13 2 hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2024-06/quan-ukraine-1685918592930908591601-116-0-1163-2000-crop-1685918642549167834480.jpg)
Nga lên tiếng bác bỏ đề xuất trao đổi lãnh thổ của Ukraine: Reuters đưa tin, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev ngày 12/2 đã bác bỏ đề xuất của Kiev về việc trao đổi các vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát để lấy các khu vực Ukraine do Moscow kiểm soát, đồng thời gọi đề xuất này là "vô nghĩa".
Trước đó, trả lời phỏng vấn tờ Guardian, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông dự định đề xuất với Nga một cuộc trao đổi lãnh thổ trực tiếp để giúp chấm dứt xung đột.
Ông Medvedev, người từng giữ chức Tổng thống Nga giai đoạn 2008-2012, cho biết Nga đã chứng minh có thể đạt được hòa bình thông qua sức mạnh.
Ông Trump: Ukraine đến lúc nào đó có thể sẽ mất chủ quyền vào tay Nga: Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Ukraine có thể đến lúc nào đó sẽ mất chủ quyền vào tay Nga và nói rằng ông muốn được bồi thường cho khoản viện trợ mà Washington đã cung cấp cho Ukraine.
″Họ [Ukraine] có thể đạt được thỏa thuận, họ có thể không đạt được thỏa thuận.. Họ có thể là của Nga vào một ngày nào đó, hoặc họ có thể không phải là của Nga vào một ngày nào đó. Nhưng chúng tôi sẽ có tất cả số tiền này ở đó [Ukraine] và tôi muốn lấy lại chúng", Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.
Chính quyền Tổng thống Trump sẽ không triển khai quân đội đến Ukraine: Phát biểu với báo giới hôm 11/2, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết, nước này sẽ không triển khai quân đội đến Ukraine.
Tuyên bố của ông Hegseth cho thấy Mỹ không thay đổi quan điểm về khả năng triển khai quân đội đến Ukraine và cũng không có kế hoạch triển khai trong tương lai. Ông Hegseth cũng cho rằng mỗi nước châu Âu cần đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng kể cả là từng nước hoặc cho chung châu Âu.
Nga cứng rắn với Mỹ, kế hoạch chấm dứt xung đột Nga-Ukraine chạm ngõ cụt?: Đại diện của Nga về quan hệ với Mỹ tuyên bố đầu tuần này rằng mọi điều kiện do Tổng thống Vladimir Putin đề ra phải được đáp ứng đầy đủ để đảm bảo xung đột ở Ukraine có thể kết thúc. Điều này cho thấy Moscow vẫn giữ lập trường cứng rắn trước các động thái từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Nếu không giải quyết tận gốc những nguyên nhân gây ra xung đột, sẽ không thể đạt được thỏa thuận hòa bình", ông Ryabkov tuyên bố. "Những biện pháp nửa vời không phải là con đường mà chúng tôi sẵn sàng thực hiện".
Ukraine phát động chiến dịch tuyển quân mới với mức lương hậu hĩnh: Bộ Quốc phòng Ukraine đã phát động chiến dịch tuyển quân vào 11/2, khuyến khích những người từ 18 - 24 tuổi phục vụ trong quân đội trong 1 năm với mức lương tương đương 24.000 USD .
Ngoài khoản thù lao trên, còn có các khoản tiền thưởng lớn cùng với các khoản thế chấp và tiền thuê nhà được trợ cấp. Hợp đồng cũng đưa ra một điều khoản miễn trừ 12 tháng khỏi việc huy động khi nó kết thúc.
Ukraine tung tiêm kích "Chim cắt" F-16 mang bom lượn chiến đấu với Nga: Một đoạn video hiếm hoi xuất hiện trên mạng được cho là ghi lại cảnh tiêm kích F-16AM Fighting Falcon (tạm dịch "Chim cắt"') của không quân Ukraine lần đầu tiên tham chiến khi mang theo bom lượn.
Trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng F-16AM của Ukraine sẽ chủ yếu được triển khai cho nhiệm vụ phòng không, tránh xa tiền tuyến nhằm bảo vệ những chiến đấu cơ đắt đỏ này khỏi tổn thất. Tuy nhiên, đoạn video mới tiết lộ một hình ảnh đầy bất ngờ: chiếc F-16AM bay ở độ cao thấp, mang theo bom đường kính nhỏ GBU-39 (SDB) do Mỹ sản xuất. Đây là chiến thuật thường được các phi công dày dạn kinh nghiệm sử dụng để né tránh radar và nâng cao độ chính xác của các đợt tấn công.
Vì sao Ukraine hiếm khi tấn công căn cứ chứa phương tiện và vũ khí cũ của Nga?: Hầu hết xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và hệ thống pháo có từ thời Liên Xô của Nga đã được bố trí ngoài trời tại một số căn cứ trong nhiều thập kỷ. Nhưng chúng hầu như không bị tấn công bởi những nguyên nhân dưới đây.
Thứ nhất, khoảng cách giữa các căn cứ chứa phương tiện và vũ khí cũ của Nga và biên giới Ukraine khá xa. Hầu hết các căn cứ này đều nằm ngoài dãy Ural, trong đó có cả ở vùng Viễn Đông, chẳng hạn như kho chứa ở Dachnoye gần Yuzhno-Sakhalinsk, cách Ukraine hơn 5.900km.
Thứ hai, các đối tác phương Tây vẫn chưa cung cấp cho Ukraine những vũ khí có khả năng đạt được tầm bắn như vậy. Ngay cả khi tên lửa Washington chuyển giao tên lửa Tomahawk có tầm bắn hơn 2.500km được chuyển đến Ukraine, một số căn cứ có thiết bị từ thời Liên Xô của Nga vẫn sẽ an toàn.