Diện mạo của quân đội Nga sẽ ra sao sau xung đột với Ukraine?

VOV.VN - Tổ chức nghiên cứu quân sự RAND nhận định, bất kể kết cục của cuộc chiến tại Ukraine ra sao, quân đội Nga sẽ phải trải qua một quá trình tái thiết toàn diện. Tuy nhiên, thất bại hoặc thành công của Nga sẽ định hình mô hình quân sự trong tương lai, với nhiều phương án tái thiết đang được cân nhắc.

Ba phương án cải tổ quân đội khả thi nhất

Một trong những lựa chọn khả quan nhất là áp dụng các đề xuất được đưa ra từ năm 2008. Trong trường hợp này, Nga sẽ coi trọng chất lượng hơn số lượng, tạo dựng một đội quân nhỏ hơn nhưng tinh nhuệ hơn, phù hợp với các chiến dịch quân sự hỗn hợp hiện đại, bao gồm các đợt tác chiến trên không, trên biển, trên bộ và trên mạng.

Tổ chức nghiên cứu RAND nhận định, phương án này đòi hỏi Nga phải thực hiện một cuộc cải tổ toàn diện và tập trung vào việc phát triển các phương thức tác chiến kể trên. Tuy nhiên, nhược điểm lớn của phương án này là quy mô lực lượng mặt đất có thể không đủ để duy trì và mở rộng ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

Một lựa chọn mang tính đột phá hơn là Nga sẽ loại bỏ hoàn toàn các phương thức tác chiến truyền thống, từ đó xây dựng một hệ thống quân sự hoàn toàn mới. Điều này đồng nghĩa với việc Moscow cần phải học hỏi các phương thức tác chiến hiện đại từ quân đội phương Tây, chẳng hạn như xây dựng một hệ thống chỉ huy và tình báo linh hoạt hơn, đồng thời loại bỏ những yếu tố cứng nhắc trong văn hóa quân sự truyền thống. Theo RAND, lựa chọn này xuất phát từ thực tế rằng mô hình tác chiến của Liên Xô và Nga không còn phù hợp trong bối cảnh chiến tranh hiện đại.

Tuy nhiên, có một phương án dễ dàng hơn và cũng mang tính bảo thủ hơn: quay trở lại mô hình quân đội kiểu Liên Xô. Theo cách tiếp cận này, Nga sẽ duy trì một đội quân nghĩa vụ quy mô lớn, được trang bị vũ khí hạng nặng do ngành công nghiệp quốc phòng trong nước sản xuất. RAND chỉ ra rằng trên thực tế, Nga đã phần nào tiếp cận mô hình này trong cuộc chiến ở Ukraine, trong bối cảnh quân đội nước này phải dựa vào các hệ thống vũ khí cũ, áp đảo đối phương bằng hỏa lực mạnh và sử dụng chiến thuật tiêu hao. Dù không mang lại chiến thắng quyết định, cách tiếp cận này vẫn đủ để giúp Nga giành thêm lợi thế trên chiến trường.

"Nga có nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì mô hình này trong cuộc chiến ở Ukraine bằng cách dựa vào các hệ thống vũ khí kiểu cũ, hỏa lực áp đảo và quy mô quân đội lớn. Những điều này chưa thể dẫn đến chiến thắng quyết định của Nga ở Ukraine nhưng chúng đã đủ để dồn Ukraine vào thế yếu", RAND lập luận.

Năm 2022, Nga tuyên bố sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, mặc dù chỉ kiểm soát khoảng 70%-80% diện tích các khu vực này. Bốn khu vực này, cùng với bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga hồi năm 2014, là một trong những điều kiện chủ chốt của Nga nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine.

Trong năm 2024, Ukraine đã mất quyền kiểm soát hơn 3.600km2 lãnh thổ trong năm 2024 khi Nga tăng cường tiến công trên các mặt trận. Trang Ukraine Militarnyi cho biết những tổn thất lớn nhất của quân đội Ukraine trong cuộc chiến với Nga vào năm 2024 là ở các tỉnh Donetsk và Kharkov.

Trong khi đó, Ukraine đã kiểm soát được 1.100km2 lãnh thổ Nga chỉ trong vòng một tháng kể từ ngày phát động chiến dịch quân sự vào vùng Kursk hồi đầu tháng 8/2024. Tuy nhiên, đến cuối năm, Ukraine chỉ còn kiểm soát khoảng 460km2. Militarnyi dự đoán Nga sẽ tiếp tục đẩy lực lượng Ukraine ra khỏi tỉnh Kursk và tăng cường hỏa lực dọc theo biên giới Ukraine.

Lựa chọn của Nga là gì?

Chuyên gia nghiên cứu Mark Cozad thuộc tổ chức RAND nhận định rằng mô hình quân đội kiểu Liên Xô có thể phù hợp hơn với Nga cả về mặt chính trị lẫn quân sự, bởi vì mô hình giúp Moscow tận dụng được lợi thế về nhân lực và vũ khí so với Kiev.

Sau Thế chiến thứ nhất, các nhà lý luận quân sự Liên Xô như Tướng Mikhail Tukhachevsky đã phát triển những ý tưởng tiên phong về chiến tranh cơ giới hóa vào những năm 1930. Nhiều năm sau đó, trong cuộc xung đột tại Chechnya vào những năm 1990 và Georgia năm 2008, Nga đã tìm cách xây dựng một lực lượng vũ trang chuyên nghiệp, thay thế cho đội lính nghĩa vụ. Tuy nhiên, các nỗ lực cải cách quân sự của Nga thường bị cản trở bởi những yếu tố như khó khăn kinh tế, sự phản đối từ các tướng lĩnh bảo thủ và đặc biệt là sự nghi ngờ của giới lãnh đạo đối với tính khả thi của những kế hoạch này.

RAND dự đoán rằng Nga có thể sẽ không chọn một phương án duy nhất, mà thay vào đó là một sự kết hợp giữa các mô hình cải cách khác nhau. Quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như cách xung đột Ukraine kết thúc, tình hình kinh tế của Nga, tỷ lệ sinh đang suy giảm, năng lực phát triển công nghệ trong nước, khả năng tiếp cận công nghệ từ nước ngoài cũng như mối quan hệ với các đồng minh.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cách Nga sẽ diễn giải những bài học từ cuộc chiến tại Ukraine. Theo nghiên cứu của RAND, các chuyên gia quân sự Nga đã có những nhận định sai lầm về bản chất của chiến tranh hiện đại, chẳng hạn như đánh giá quá cao vai trò của không quân hoặc không lường trước được sự trở lại của chiến tranh chiến hào thay vì tác chiến cơ động.

"Nhìn chung, các chuyên gia Nga đã đánh giá thấp tác động của xung đột với Nga tới nước này", RAND nhận định.

Ông Cozad cho rằng nếu cuộc chiến kết thúc ngay lập tức và Nga tuyên bố chiến thắng, nước này có thể sẽ duy trì mô hình quân đội kiểu Liên Xô, bởi vì đó là chiến lược đã giúp Moscow giành được lợi thế trên chiến trường. 

Theo ông Andrii Ziuz, cựu Giám đốc điều hành Hội đồng An ninh và quốc phòng quốc gia Ukraine, "Nga đã bắt đầu cuộc xung đột bằng nhiều thứ giống như Liên Xô... Từ chiến thuật đến vũ khí".

"Nhưng họ đang học rất nhanh, bằng cách thay đổi chiến thuật và đạt được thành công trong chiến tranh điện tử vô tuyến và máy bay không người lái", ông Andrii Ziuz nói thêm.

Sau ba năm giao tranh với Ukraine, hình thái quân đội Nga đã có nhiều thay đổi khi Điện Kremlin phát động các chiến dịch tuyển quân. Nga đã tái cấu trúc quân đội để hỗ trợ ngắn hạn chiến dịch quân sự ở Ukraine, cũng như thực hiện các cải cách dài hạn nhắm nhiều hơn vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Lực lượng Nga và Ukraine cũng đang sử dụng ngày càng nhiều UAV điều khiển bằng sợi quang để vượt qua chiến tranh điện tử hạng nặng. Moscow vẫn đang tiếp tục chạy đua công nghệ không người lái cho nhiều trang thiết bị quân sự khác nhau, tuyên bố sẽ thành lập đội đặc nhiệm chuyên về UAV trong quân đội vào quý 3 của năm 2025. Vào đầu tháng 12/2024, Ukraine cho biết Nga đã mất khoảng 3 tỷ USD tiền vũ khí và thiết bị quân sự chỉ riêng trong tháng 11.

Dù kết quả ra sao, Mỹ và NATO cần theo dõi sát sao quá trình tái thiết quân đội Nga. Bất kể mô hình nào được lựa chọn, Nga vẫn có những năng lực quân sự đáng kể, đặc biệt trong các lĩnh vực như chiến tranh điện tử và máy bay không người lái. Trong bối cảnh chiến lược toàn cầu thay đổi, nguy cơ lớn nhất có thể là sự trở lại của một quân đội quần chúng theo mô hình Liên Xô, dù không lớn bằng Hồng quân với 12 triệu binh lính vào năm 1945 nhưng có thể vượt qua con số 1,5 triệu binh sĩ mà Tổng thống Nga Putin đã đặt ra trong năm 2024.

Ông Cozad cảnh báo rằng trong ba thập kỷ qua, phương Tây đã tập trung vào các mô hình tác chiến hạn chế hơn, chưa chuẩn bị đầy đủ để đối phó với một đối thủ có lợi thế về vũ khí và quân lực. Vì vậy, việc Nga lựa chọn mô hình tái thiết nào không chỉ có ý nghĩa đối với Moscow mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh và cán cân quyền lực trên toàn cầu, khiến Mỹ và phương Tây không thể làm ngơ.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ukraine và phương Tây hợp lực phá thế áp đảo của pháo binh Nga
Ukraine và phương Tây hợp lực phá thế áp đảo của pháo binh Nga

VOV.VN - Nga đã tăng cường sản xuất các hệ thống pháo kể từ khi cuộc xung đột với Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, vượt xa các nước phương Tây về khối lượng.

Ukraine và phương Tây hợp lực phá thế áp đảo của pháo binh Nga

Ukraine và phương Tây hợp lực phá thế áp đảo của pháo binh Nga

VOV.VN - Nga đã tăng cường sản xuất các hệ thống pháo kể từ khi cuộc xung đột với Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, vượt xa các nước phương Tây về khối lượng.

Nga nhất quyết với các điều kiện để đàm phán với Ukraine
Nga nhất quyết với các điều kiện để đàm phán với Ukraine

VOV.VN - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, hôm 10/2 khẳng định, tất cả các điều kiện mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đưa ra để chấm dứt xung đột ở Ukraine phải được đáp ứng trước khi Moscow và Kiev có thể đạt được bất kỳ giải pháp nào.

Nga nhất quyết với các điều kiện để đàm phán với Ukraine

Nga nhất quyết với các điều kiện để đàm phán với Ukraine

VOV.VN - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, hôm 10/2 khẳng định, tất cả các điều kiện mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đưa ra để chấm dứt xung đột ở Ukraine phải được đáp ứng trước khi Moscow và Kiev có thể đạt được bất kỳ giải pháp nào.

Nga giăng lưới mắt cáo bẫy UAV nguy hiểm nhất của Ukraine
Nga giăng lưới mắt cáo bẫy UAV nguy hiểm nhất của Ukraine

VOV.VN - Quân đội Nga đã thiết lập một mạng lưới mắt cáo dài 2km trên một con đường nối Bakhmut và Chasiv Yar ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine. Dù có hiệu quả trong việc đối phó với máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV), nhưng biện pháp này vẫn có một số nhược điểm nhất định.

Nga giăng lưới mắt cáo bẫy UAV nguy hiểm nhất của Ukraine

Nga giăng lưới mắt cáo bẫy UAV nguy hiểm nhất của Ukraine

VOV.VN - Quân đội Nga đã thiết lập một mạng lưới mắt cáo dài 2km trên một con đường nối Bakhmut và Chasiv Yar ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine. Dù có hiệu quả trong việc đối phó với máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV), nhưng biện pháp này vẫn có một số nhược điểm nhất định.