Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 1/4
VOV.VN - 24 giờ qua ghi nhận nhiều diễn biến quan trọng liên quan đến xung đột tại Ukraine, trong đó đáng chú ý là việc Tổng thống Nga phê duyệt Khái niệm chính sách đối ngoại mới và Nga cảnh báo sẽ coi lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tại Ukraine là mục tiêu hợp pháp.
Tướng Mỹ: Washington sẽ không cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine: Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley ngày 31/3 cho biết, Mỹ sẽ không cung cấp cho Ukraine Hệ thống Tên lửa Tác chiến Lục quân (ATACMS) mà thay vào đó, xem xét các lựa chọn khác để giúp quân đội Ukraine có tầm hoạt động xa hơn trên chiến trường.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Defense One, ông Mark Milley nói, Mỹ có “tương đối ít” hệ thống ATACMS và quân đội cần phải duy trì mức độ vũ khí quan trọng trong kho dự trữ. Nhưng Washington đang xem xét các khả năng khác, ông Milley lưu ý.
“Phạm vi hoạt động của ATACMS rất xa, nhưng có những hệ thống khác có thể đạt đến phạm vi đó. Chẳng hạn máy bay không người lái (UAV) có thể làm được điều đó. Nước Anh cũng có một vài hệ thống. Đây là những điều chúng tôi đang xem xét để giúp Ukraine có thêm lợi thế”, ông Mark Milley khẳng định.
Nga tăng sản xuất vũ khí lên nhiều lần: Bộ trưởng Quốc phòng Nga hôm 1/4 cho hay, việc sản xuất các loại vũ khí thông thường và chính xác của nước này cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine đã tăng lên nhiều lần.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trước đó Bộ trưởng Sergey Shoigu tổ chức họp về các vấn đề cung cấp đạn dược cho binh sĩ Nga ngoài mặt trận và nghe báo cáo về tình hình hiện tại.
Tổng thống Nga và Belarus thảo luận đề xuất Minsk về tuyên bố đình chiến ở Ukraine: Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga và Belarus vào tuần tới sẽ thảo luận đề xuất của Minsk về tuyên bố đình chiến ở Ukraine.
Theo ông Peskov, Nga đã nghe đề xuất của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko về tuyên bố đình chiến ở Ukraine. Tuần tới, hai tổng thống Putin và Lukashenko sẽ tiếp tục tại cuộc họp của Hội đồng Nhà nước Tối cao của quốc gia liên minh theo hình thức hội nghị truyền hình. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các Tổng thống một lần nữa nói chuyện chi tiết với nhau, có thể, họ sẽ thảo luận về chủ đề này. Đồng thời, thư ký báo chí của Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng "không có gì thay đổi" trong bối cảnh Ukraine, còn chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ tiếp tục, vì nó "ngày nay là phương tiện duy nhất” để đạt được các mục tiêu mà Nga đã đặt ra.
Tổng thống Nga phê duyệt Khái niệm chính sách đối ngoại mới: Ngày 31/3, Tổng thống Nga V.Putin ký sắc lệnh, phê duyệt Khái niệm mới về chính sách đối ngoại của Nga.
Theo ông, Khái niệm cập nhật sẽ tạo cơ sở cho các hành động thực tế của đất nước trong trung và dài hạn, đồng thời cũng sẽ trở thành cơ sở học thuyết có chất lượng cho công việc tiếp theo trong lĩnh vực quan hệ quốc tế.
Các điều khoản chính của Khái niệm chính sách đối ngoại cập nhật của Nga bao gồm: Nga không coi mình là kẻ thù của phương Tây và không tự cô lập mình khỏi phương Tây, không có ý định thù địch. Nga đang trông cậy vào việc phương Tây nhận ra sự vô ích của đối đầu và quay trở lại tương tác bình đẳng.
Belarus cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ nếu bị tấn công: Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 31/3 cáo buộc phương Tây "chuẩn bị tấn công Belarus” từ Ba Lan, đồng thời hoan nghênh động thái của Nga đặt các đầu đạn hạt nhân chiến thuật tại Belarus, cho rằng vũ khí này là cần thiết để bảo vệ Belarus.
Trong bài phát biểu trước quốc gia, Tổng thống Lukashenko cho biết ông đã tăng cường đàm phán với Tổng thống Nga Putin về việc triển khai cả vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược để đối phó với các mối đe dọa từ các nước phương Tây ủng hộ Ukraine - những nước mà ông cho là đang có kế hoạch kích động một cuộc đảo chính chống lại chính phủ Belarus.
5 nước Đông Âu kêu gọi EU giải quyết hệ lụy từ nhập khẩu thực phẩm của Ukraine: Ngày 31/3, thủ tướng của 5 quốc gia Đông Âu cho biết EU cần xem xét lại thuế quan đối với hàng nông sản nhập khẩu của Ukraine để ngăn chặn sự giảm giá mạnh và ảnh hưởng đến người sản xuất mặt hàng này ở các thị trường châu Âu, trong bối cảnh nhiều quốc gia đã phải nhập ngũ cốc cho Ukraine.
Trong một lá thư gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, thủ tướng 5 quốc gia bao gồm Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và Slovakia cho biết quy mô gia tăng của các sản phẩm bao gồm ngũ cốc, hạt có dầu, trứng, thịt… ở các nước này là chưa từng có tiền lệ. Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, các sản phẩm ngũ cốc của nước này đã bị phong tỏa các cảng ở Biển Đen sau khi cuộc xung đột nổ ra năm 2022 và hiện đã có thể vận chuyển qua các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu.
Ông Medvedev: Nga sẽ coi lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tại Ukraine là mục tiêu: Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 31/3 cho biết, Nga sẽ coi lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO là mục tiêu hợp pháp nếu họ được triển khai tới tiền tuyến ở Ukraine.
Trong tuyên bố trên Telegram, ông Medvedev nêu rõ: “Họ sẽ là mục tiêu hợp pháp của các lực lượng vũ trang Nga nếu họ được đưa lên tiền tuyến mà không có sự đồng ý của Nga với vũ khí trong tay và đe dọa trực tiếp chúng tôi". Theo quan chức này, mục tiêu thực sự của phương Tây là thiết lập một lệnh ngừng bắn trên chiến tuyến có lợi cho họ.
Nga cảnh báo nguy cơ xung đột gia tăng giữa các cường quốc hạt nhân: Nga cảnh báo nguy cơ xung đột gia tăng giữa các cường quốc hạt nhân, thậm chí khả năng leo thang thành chiến tranh thế giới cũng đang gia tăng. Điều này được thể hiện trong khái niệm mới về chính sách đối ngoại của Nga vừa được Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt ngày 31/3.
Theo khái niệm mới về chính sách đối ngoại của Nga, xung đột ở một số khu vực làm gia tăng mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu, làm tăng nguy cơ xung đột giữa các nước lớn, kể cả với sự tham gia của các cường quốc hạt nhân.
Nga đặc biệt coi trọng tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ: Ngày 31/3, trong khái niệm mới về chính sách đối ngoại vừa được Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt, Nga khẳng định đặc biệt coi trọng tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo khái niệm mới về chính sách đối ngoại của Nga, việc tăng cường quan hệ và phối hợp với các trung tâm quyền lực và phát triển nằm trên lục địa Á - Âu, có chính sách thân thiện với Nga, sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng để nước này đạt được các mục tiêu chiến lược và hoàn thành các nhiệm vụ chính trong chính sách đối ngoại.
Tướng Mỹ cảnh báo Ukraine khó đạt mục tiêu đẩy lùi quân đội Nga trong năm nay: Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley ngày 31/3 cho biết, mục tiêu của Ukraine đẩy lùi quân đội Nga ra khỏi tất cả các vùng lãnh thổ khó có thể đạt được trong năm nay.
Nhận xét của ông Mark Milley được đưa ra trong bối cảnh Ukraine công bố kế hoạch tiến hành cuộc phản công lớn vào mùa Xuân nhưng nói rằng họ không có đủ vũ khí cần thiết cho cuộc tấn công này.
Phát biểu với Defense One, ông Mark Milley cho biết: “Tổng thống Zelensky nói rằng mục tiêu của Ukraine là đẩy lùi Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ mà họ đang chiếm giữ. Đó là một nhiệm vụ quân sự quan trọng nhưng cũng rất khó khăn”. Song ông Milley lưu ý: “Tôi không nghĩ rằng họ có khả năng thực hiện được mục tiêu này trong năm nay”.
Nga, Mỹ “đụng độ” tại Liên Hợp Quốc về vũ khí hạt nhân cho Belarus: Nga và Mỹ hôm 31/3 đã có cuộc tranh cãi gay gắt tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về kế hoạch của Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh đối đầu Đông-Tây ngày một trầm trọng hơn cùng với những diễn biến của cuộc xung đột tại Ukraine. Phát biểu tại cuộc họp được tổ chức theo yêu cầu của Ukraine, Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya khẳng định, Moscow không chuyển giao vũ khí hạt nhân mà chuyển giao "các tổ hợp tên lửa chiến thuật tác chiến" sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Nga và điều này không vi phạm nghĩa vụ quốc tế.
Ông đồng thời nhắc lại tuyên bố trước đó của Tổng thống Vladimir Putin rằng, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, giống như cách Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của các đồng minh./.