Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 16/3
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý về chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 16/3/2024.
Ukraine nói 2 khu vực biên giới của Nga đã thành vùng chiến sự: Một quan chức tình báo cấp cao Ukraine cho rằng, các nhóm vũ trang người Nga chống lại Điện Kremlin đang tiến hành xâm nhập vào lãnh thổ Nga và đã biến 2 khu vực biên giới thành “vùng chiến sự”.
Trong một bài đăng trên Telegram, Thống đốc vùng Belgorod của Nga, ông Vyachslav Gladkov, cáo buộc lực lượng vũ trang Ukraine thực hiện vụ tấn công xuyên biên giới vào Nga làm 2 người thiệt mạng và ít nhất 20 người bị thương. Thống đốc khu vực Kursk, ông Roman Starovoit cáo buộc, phía Ukraine đã “không ngừng nỗ lực đưa những kẻ phá hoại vào lãnh thổ của chúng tôi".
Đằng sau cơn ác mộng lớn nhất của Ukraine khi tác chiến với Nga: Thiết lập được ưu thế tác chiến điện tử sẽ giúp một bên vô hiệu hóa vũ khí đối phương mà không gây tổn hại cho chính mình.
>>> Đằng sau cơn ác mộng lớn nhất của Ukraine khi tác chiến với Nga
Ông Stoltenberg thừa nhận Ukraine dùng tên lửa NATO tấn công Hạm đội Biển Đen?: Ông Stoltenberg cho rằng, Ukraine đã đẩy lùi được Hạm đội Biển Đen của Nga để mở hành lang mở từ Odessa (Ukraine) đến eo biển Bosphorus và một số tên lửa do NATO cung cấp đóng vai trò quan trọng dẫn đến chiến thắng này.
Bình luận của Tổng thư ký NATO đưa ra trong bối cảnh, Đại sứ Nga tại Mỹ, Anatoly Antonov ngày 13/3 cảnh báo căng thẳng leo thang khi các quan chức cấp cao Mỹ nói rằng phương Tây cần phải giúp Ukraine “tấn công sâu vào Crimea”. Theo ông Antonov, tuyên bố này cho thấy, “sự liên quan trực tiếp của Mỹ vào cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức được thừa nhận”.
Tổng thống Macron nói Pháp sẽ không gây chiến với Nga nhưng sẽ ngăn Moscow thắng: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục khẳng định an ninh của Pháp và châu Âu phụ thuộc vào cuộc xung đột tại Ukraine và nhấn mạnh không chủ trương đối đầu trực tiếp với Nga nhưng sẽ sử dụng mọi cách để Nga không giành chiến thắng.
“Tất cả lựa chọn đều có thể. Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ bắt đầu một cuộc tấn công, chúng tôi sẽ không bao giờ chủ động. Điều đơn giản hiện nay là để có hoà bình cho Ukraine thì phải không được suy yếu và cần phải sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện để đạt mục tiêu là ngăn cản nước Nga giành chiến thắng”, ông Macron nói.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh Pháp cũng sở hữu học thuyết hạt nhân và sẽ không bao giờ leo thang trong vấn đề này. Ưu tiên trước mắt của Pháp và châu Âu là viện trợ khẩn cấp đạn dược cho Ukraine. Pháp và châu Âu đang liên hệ với các đối tác trên thế giới để mua lại vũ khí và chuyển giao cho Kiev. 27 quốc gia thành viên cũng đang tăng cường phối hợp trong việc cung cấp các loại vũ khí khác nhau cho Ukraine từ pháo binh đến hệ thống phòng không, trong đó bao gồm cả việc sản xuất trực tiếp vũ khí ngay tại Ukraine.
Đức một lần nữa phản đối cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine: Với 494 phiếu chống, 190 phiếu thuận, Quốc hội Đức một lần nữa từ chối yêu cầu của Liên minh Dân chủ Kitô giáo CDU/CSU về chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine. Đây là lần thứ 3 Quốc hội Đức phản đối yêu cầu tương tự. Cho đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn kiên quyết phản đối việc chuyển giao tên lửa này do lo ngại xung đột leo thang tại Ukraine. Với tầm bắn lên đến 500km, tên lửa tầm xa Taurus hoàn toàn có thể đe dọa đến các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ có hơn 13.000 lính đánh thuê nước ngoài ở Ukraine: Bộ Quốc phòng Nga đã công bố thông tin cập nhật về số lượng lính đánh thuê nước ngoài thiệt mạng khi chiến đấu cho Ukraine kể từ tháng 2/2022. Theo số liệu do Bộ Quốc phòng Nga công bố, ít nhất 13.387 lính đánh thuê nước ngoài đã tới Ukraine để chiến đấu cho Kiev, khoảng 5.962 người trong số này được xác nhận đã thiệt mạng.
Bộ Quốc phòng Nga cho hay, Ba Lan là nước cung cấp số lượng lính đánh thuê lớn nhất cho Ukraine, với 2.960 người. Hơn một nửa trong số này, khoảng 1.497 công dân Ba Lan, đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh. Trong khi đó, khoảng 1.113 lính đánh thuê Mỹ hiện diện ở chiến trường Ukraine.
Vương quốc Anh, Romania, Croatia và Pháp cũng nằm trong danh sách quốc gia có lính đánh thuê tham chiến ở Ukraine. Theo ước tính của Nga, mặc dù Paris tuyên bố ủng hộ Kiev mạnh mẽ nhưng chỉ có khoảng 356 công dân Pháp hiện diện trong xung đột ở Ukraine, với khoảng 147 người chết.
Ukraine dùng tên lửa NATO tấn công Hạm đội biển Đen Nga: Ukraine đã sử dụng tên lửa do NATO cung cấp để tấn công các tàu Hải quân Nga ở biển Đen, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay. Ông nói “một trong những chiến thắng lớn mà Ukraine đạt được thực sự là có thể đẩy lùi Hạm đội biển Đen của Nga và tiêu diệt nhiều tàu khác”, đảm bảo “một hành lang rộng mở đến tận Odessa”. Ông lưu ý rằng, “một số tên lửa, một số hệ thống rất quan trọng trong việc mở hành lang này tất nhiên là do các đồng minh NATO cung cấp”.
"Lửa mặt trời" TOS-1A Solntsepek của Nga ồ ạt tấn công các vị trí Ukraine: Bộ Quốc phòng Nga công bố đoạn video ghi lại cảnh pháo phản lực hạng nặng TOS-1A Solntsepek tấn công các vị trí của Ukraine gần Artemovsk (Bakhmut). Theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng nước này sử dụng hệ thống pháo nhiệt áp hạng nặng TOS-1A Solntsepek để phá hủy các công sự, vũ khí và trang thiết bị của đối phương hàng ngày. Quân đội Nga thường sử dụng TOS-1A Solntsepek để thực hiện các nhiệm vụ tấn công vào ban đêm để khiến đối phương không kịp trở tay.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ đổi ý về viện trợ cho Ukraine: Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson, thành viên đảng Cộng hòa cho biết dự luật viện trợ bổ sung cho Ukraine và Israel sẽ được đưa ra bỏ phiếu riêng rẽ trong vài tuần tới. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy phe Cộng hòa ở Hạ viện dường như đã nhượng bộ trong vấn đề viện trợ cho Ukraine.
Đánh giá khả năng phản công của Ukraine trong năm 2024: Ukraine đang thiếu trầm trọng cả nhân lực và đạn dược, khiến tuyên bố của nước này về ý định phản công Nga trong năm nay gây nhiều hoài nghi.Giới phân tích nhận định với những trở ngại hiện nay, xây dựng chiến lược phòng thủ dường như là lựa chọn thực tế duy nhất để Ukraine bào mòn lợi thế của Nga. Trong thời gian này, Kiev có thể tiến hành các cuộc tấn công kiểu du kích và tập trung xây dựng lại quân đội, thay vì gom quân để phản công.
Loại bom lượn dẫn đường mới của Nga có tầm bắn chính xác cao: Theo Sputnik, loại bom lượn dẫn đường mới của Nga có thể gây ra mối đe dọa đáng kể cho binh lính Ukraine.
“UMPB D-30SN có thể được phóng từ mặt đất, có tầm bắn chính xác cho các hệ thống pháo tên lửa đang được Nga sử dụng, không cần phải mạo hiểm với máy bay chiến thuật. Điều này mang lại ưu thế lớn khi tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa, ví dụ như vị trí pháo binh và hệ thống phòng không”, trang tin The War Zone (TWZ) cho hay. Bom dẫn đường tiên tiến UMPB D-30SN mới của Nga đang thu hút rất nhiều sự quan tâm. Loại vũ khí này có thể phóng từ máy bay và hệ thống tên lửa phóng loạt trên mặt đất (MLRS).
Ukraine sẵn sàng thử lửa pháo laser chuyên diệt UAV của Anh: Bộ Quốc phòng Anh hồi giữa tuần đăng video mới giải mật về cuộc thử nghiệm pháo laser "Lửa Rồng" hồi giữa tháng 1 của quân đội nước này. Ngay sau đó, Anton Gerashchenko, cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine đề xuất: "Bộ Quốc phòng Anh vừa công bố video về cuộc thử nghiệm vũ khí laser 'Lửa Rồng'. Cơ quan này nói mẫu vũ khí tiên tiến trên có thể 'thay đổi cơ bản cục diện chiến trường'. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và thử nghiệm hoạt động của tổ hợp laser này trong điều kiện thực chiến".