Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 20/11
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 20/11/2024.
Xung đột Nga - Ukraine bước qua “cột mốc ảm đạm” 1.000 ngày: Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hôm nay bước qua “cột mốc ảm đạm” 1.000 ngày. Đây đã trở thành một cuộc xung đột tiêu hao đối với cả 2 bên và cũng là cuộc xung đột tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Tuy nhiên, cột mốc 1.000 ngày này cũng chứng kiến những bước chuyển mới, có thể hướng tới một giải pháp chấm dứt xung đột.
Ảnh vệ tinh tiết lộ chi tiết mới về hoạt động sản xuất tên lửa của Nga: Các bức ảnh vệ tinh do Maxar Technologies chụp vào tháng 7, tháng 9 và tháng 10 cho thấy thảm thực vật đã được dọn sạch và có nhiều công trình xây dựng mới tại 5 khu phức hợp sản xuất động cơ tên lửa nhiên liệu rắn của Nga.
Nhà nghiên cứu Fabian Hinz tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Berlin, Đức đã xác định được các khu phức hợp nói trên dựa trên thông tin mà truyền thông Nga đăng tải cũng như các tài liệu giải mật của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) thời Chiến tranh Lạnh trong đó có liệt kê các cơ sở mà Liên Xô sản xuất động cơ tên lửa nhiên liệu rắn.
Tin dữ với Ukraine ngay cả khi được Mỹ cho phép dùng ATACMS để tấn công Nga: Quyết định của Tổng thống Mỹ Biden cho phép Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS để tập kích các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga có thể giúp quân đội Ukraine giữ được đầu cầu ở tỉnh Kursk - lá bài giá trị cho các cuộc hòa đàm tương lai. Mặc dù vậy, có những sự thật bất lợi mà Kiev đang phải đối mặt liên quan đến hệ thống vũ khí này.
Andrei Zagorodnyuk - cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine, nói: “Hệ thống ATACMS có thể giúp Ukraine tại Kursk nhưng lại nó lại quá hẹp và tình hình quá muộn”.
Nga sẽ sử dụng vũ khí gì để đối phó với tên lửa ATACMS từ Ukraine? Khi Mỹ bật đèn xanh để Ukraine sử dụng ATACMS cho các cuộc tấn công tầm xa, có hai câu hỏi được đặt ra là liệu Kiev có những gì nước này cần để tiến hành các cuộc tấn công như vậy hay không và liệu Nga có thể đối phó hay không. Các hệ thống phòng không của Nga như Buk-M2, Buk-M3 và Tor-M2 đã đánh chặn thành công ATACMS nhiều lần, ông Alexei Leonkov, một nhà phân tích quân sự Nga nhận định với Sputnik.
“Các hệ thống phòng không Nga có tỷ lệ đánh chặn cao. Trong khi các hệ thống của chúng tôi sử dụng 1 tên lửa cho 1 mục tiêu thì hệ thống Patriot của Mỹ phải sử dụng 2 tên lửa để hoàn thành cùng một nhiệm vụ".
Nga tuyên bố không chấp nhận đề xuất "đóng băng" xung đột ở Ukraine: Bloomberg dẫn các nguồn tin quen thuộc với kế hoạch của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, cho biết nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất đóng băng xung đột Nga - Ukraine theo giới tuyến hiện tại, đồng thời kêu gọi Kiev trì hoãn các cuộc thảo luận về việc gia nhập NATO trong ít nhất 10 năm như một “sự nhượng bộ” đối với Moscow.
Khi được yêu cầu bình luận về thông tin trên, ông Peskov nói rằng Nga không có thông tin về bất kỳ đề xuất nào do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, “bất kỳ hình thức đóng băng nào theo các giới tuyến hiện tại đều không thể chấp nhận được đối với Nga”.
Xe tăng Ukraine bốc cháy ngùn ngụt khi trúng đòn tập kích của UAV tự sát Nga: Hãng thông tấn RT của Nga ngày 19/11 đưa tin, máy bay không người lái cảm tử Lancet của nước này đã tập kích một xe tăng chiến đấu chủ lực của Ukraine, khiến phương tiện bị bốc cháy dữ dội. Vụ tấn công xảy ra tại khu vực Kursk, miền Tây nước Nga.
Video về vụ tấn công đã được kênh Telegram ủng hộ Nga đăng tải vào cuối tuần qua. Đoạn video ngắn được quay bằng camera cho thấy, một chiếc xe tăng dừng lại trên đường ở một địa điểm phủ đầy tuyết, xung quanh có vài chiếc ô tô bị hư hỏng và một số tòa nhà bị phá hủy. Ngay sau đó, một chiếc UAV Lancet mang chất nổ đã nhắm trúng tháp pháo của xe. Tháp pháo bắt lửa và cháy lan vào bên trong, tạo ra một đám cháy dữ dội.