Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 22/6
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến nổi bật liên quan đến tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 22/6/2014.
Mỹ: Ukraine có thể sử dụng vũ khí Mỹ tấn công Nga ở bất kỳ đâu. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder ngày 20/6 cho hay, Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công lực lượng Nga ở bất cứ đâu biên kia biên giới chứ không chỉ khu vực gần Kharkov.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để nhắm vào các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, quyết định của ông Biden chỉ áp dụng cho các mục tiêu bên trong nước Nga gần với khu vực Kharkov của Ukraine.
Theo ông Ryder, dù không có thay đổi nào về chính sách, nhưng việc Ukraine sử dụng vũ khí chống lại lực lượng Moscow không chỉ giới hạn ở các khu vực của Nga gần Kharkov. “Trọng tâm chính sách của chúng tôi là khả năng Ukraine có thể bắn trả khi bị tấn công, khi lực lượng Nga khai hỏa qua biên giới, Ukraine phải có khả năng đáp trả bằng cách sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp. Đó là hành động tự vệ và việc họ có khả năng như vậy là hoàn toàn hợp lý”.
Động thái của Ukraine trước các cuộc tấn công như vũ bão của Nga vào Kharkov. Các binh lính Ukraine đã "sẵn sàng cho bất kỳ kịch bản và diễn biến nào", Trung tá Nazar Voloshyn, Người phát ngôn nhóm chiến đấu Khortytsia của Ukraine ở phía Đông cho hay. Trang theo dõi chiến sự Deep State của Ukraine trước đó ngày 18/6 cho biết Nga đang tập hợp khoảng 10.000 binh lính và 200 hệ thống pháo gần làng Borova thuộc Kharkov.
Borova nằm ở phía Tây thành phố Svatove thuộc Lugansk do Nga kiểm soát, phía Nam thành phố Kupiansk thuộc Kharkov. Borova từng do Nga kiểm soát trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự vào đầu năm 2022 nhưng các lực lượng của Ukraine đã giành lại ngôi làng này như một phần của cuộc phản công vào tháng 10/2022. Trung tâm Chiến lược Quốc phòng - một tổ chức nghiên cứu của Ukraine nhận định, quân đội Nga đã được các lực lượng đặc biệt cũng như các đơn vị thuộc công ty quân sự tư nhân hỗ trợ trong nỗ lực chiếm Borova.
Ông Putin cảnh báo phương Tây “đang phạm sai lầm lớn”. Tổng thống Putin cảnh báo phương Tây "đang phạm một sai lầm lớn", đồng thời tuyên bố rằng Nga sẽ không đáp ứng các yêu cầu không thực tế của Ukraine.
“Thực tế thì phương Tây mong đợi chúng ta sẽ sợ hãi vào một thời điểm nào đó, đồng thời muốn Nga nhận một thất bại chiến lược ở Ukraine. Mọi người đều hiểu điều này đồng nghĩa với sự kết thúc của nhà nước Nga, và điều này gần như không thể xảy ra do sự đoàn kết của chúng ta. Nga không cần phải e ngại điều gì, đây là logic cơ bản”, ông Putin cho biết.
Nga đang cân nhắc thay đổi học thuyết hạt nhân. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga đang cân nhắc khả năng thay đổi học thuyết của nước này về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, theo hãng tin Reuters.
Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga nêu rõ rằng Nga có thể sử dụng loại vũ khí này để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công thông thường gây ra mối đe dọa cho sự sống còn của nước Nga.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, một số nhà phân tích quân sự Nga có quan điểm cứng rắn đã ủng hộ việc Nga hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông Putin cho biết Nga không cần phải thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu.
Hai kho dầu Nga bị UAV tập kích. Trang Mil.in.ua của Ukraine cho hay, quân đội nước này hôm 20/6 đã tổ chức các cuộc tập kích bằng UAV nhằm vào hai kho dầu của Nga ở các vùng Tambov và Krasnodar.
“Vào rạng sáng 20/6, một nhóm UAV đã tấn công vào kho dầu LUKOIL-Yugnefteprodukt nằm gần làng Enem thuộc tỉnh Krasnodar. Trong khi đó, vụ tập kích UAV vào kho dầu Platonovsky cũng khiến một bồn chứa bốc cháy”, thông tin từ Mil.in.ua cho biết.
Người đứng đầu khu vực Adygea của Nga, quan chức Murat Kumpilov trong tuyên bố sau đó nói rằng cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào kho dầu LUKOIL-Yugnefteprodukt “đã gây ra một vụ hỏa hoạn có diện tích khoảng 400 m2, nhưng các đơn vị cứu hỏa đã nhanh chóng dập tắt ngọn lửa”.
Ukraine giải thích việc một số nước rút tên khỏi thông cáo chung sau hội nghị hòa bình. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba lên tiếng giải thích về thông tin cho rằng một số quốc gia rút tên khỏi thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh hòa bình diễn ra cuối tuần trước tại Thụy Sĩ.
“Thông cáo vẫn được chỉnh sửa cho đến giây phút cuối cùng tại hội nghị thượng đỉnh. Vì vậy, khi các quốc gia này nói rằng họ vẫn đang xem xét thông cáo, thì chúng tôi đã gạch tên họ khỏi danh sách”, ông Kuleba giải thích.
Lúc đầu, thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh hòa bình được 80 quốc gia và 4 tổ chức ủng hộ, nhưng sau đó một số quốc gia đã rút lại quyết định.