Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 22/6
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 22/6/2022.
Sau 2 tháng giằng co, Nga vẫn chật vật ở “chảo lửa” Severodonetsk: Gần 2 tháng kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công vào Severodonetsk, dù có hỏa lực áp đảo, Nga vẫn không thể đánh bật sự kháng cự kiên cường của Ukraine cũng như chặn đường tiếp tế vũ khí và đạn dược cho lực lượng phòng thủ ở thành phố này.
Tuyến phòng thủ của Ukraine ở Severodonetsk, dù bị tổn thất nặng nề, đã buộc Nga phải tập trung hỏa lực vào một khu vực tương đối nhỏ và nỗ lực hơn nữa để chiếm 10% diện tích tỉnh Lugansk mà họ vẫn chưa thể kiểm soát.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố việc kiểm soát các khu vực Lugansk và Donetsk ở miền Đông Ukraine là một trong những mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Song đến nay, Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu này.
Nga tuyên bố sẽ tăng cường tiềm lực quân sự: Ngày 21/6, phát biểu tại buổi vinh danh những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của các học viện và trường đại học quân sự, Tổng thống Putin nhấn mạnh, quân đội Nga cần phải sử dụng rộng rãi hơn người máy, các công cụ điều khiển và trinh sát mới nhất, các phương tiện bay không người lái và tích cực phát triển các hệ thống vũ khí hiện đại.
Hai lính Mỹ bị bắt ở Ukraine có thể đối mặt án tử hình: Nhà Trắng cho biết đang "cố gắng tìm hiểu thêm về hai công dân Mỹ" bị bắt ở Ukraine.
John Kirby, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) cho biết, hai công dân người Mỹ bị bắt ở Ukraine có thể phải đối mặt với án tử hình. Ông Kirby cho rằng đây là điều “kinh hoàng” khi người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thậm chí sẽ đề xuất bản án này.
Litva mở rộng phong tỏa vùng Kaliningrad của Nga: Giới chức vùng Kaliningrad của Nga cho biết, các hạn chế quá cảnh do Litva áp đặt đối với hàng hóa gửi tới vùng Kaliningrad của Nga đã tác động lên vận tải đường bộ.
Cơ quan báo chí của vùng này cho biết, việc hạn chế quá cảnh hàng hóa đã áp dụng sang các hoạt động vận tải đường bộ và những hàng hóa này giờ chỉ có thể vận tải bằng đường biển.
Mỹ ủng hộ Litva phong tỏa vùng Kaliningrad của Nga: Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Washington ủng hộ Litva (thành viên EU) trong cuộc đối đầu với Nga liên quan đến vùng lãnh thổ Kaliningrad.
Mỹ tuyên bố, họ “đánh giá cao” các lệnh trừng phạt Nga và quân đội Mỹ cam kết bảo vệ Litva sau khi nước này cấm một số hàng hóa Nga đi qua lãnh thổ của họ để tới vùng lãnh thổ tách rời là Kaliningrad.
Tổng thống Indonesia thăm Nga và Ukraine để thúc đẩy hòa bình: Tổng thống Indonesia Joko Widodo đồng thời là Chủ tịch G20 sẽ thăm Ukraine và Nga vào tuần tới để thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.
Tổng thống Jokowi sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Đức trước khi đến thăm Ukraine và Nga để làm hòa giải cho cuộc xung đột. Cuộc chiến Nga-Ukraine phủ bóng lên các cuộc họp của G20 với Indonesia là nước Chủ tịch năm 2022.
Quan chức EU tiết lộ thời điểm Ukraine đạt được tư cách ứng cử viên: Nhà ngoại giao hàng đầu của EU hy vọng Ukraine có thể được trao tư cách ứng cử viên EU trong tuần này.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, ông hy vọng Ukraine sẽ đạt được tư cách ứng cử viên EU vào cuối tuần này. Ông Borrell nói rằng đây sẽ là động thái mang tính “lịch sử”.
EU gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga áp đặt từ tháng 6/2014: Hội đồng châu Âu đã quyết định gia hạn đến ngày 23/6/2023 các biện pháp trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) đưa ra, nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea và thành phố Sevastopol.
Các biện pháp hạn chế nói trên được áp dụng từ tháng 6/2014, liên tục được gia hạn và kéo dài, bao gồm các lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ Crimea hoặc Sevastopol và các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc tài chính và dịch vụ du lịch từ Crimea hoặc Sevastopol.
Nguy cơ suy thoái kinh tế tại Đức nếu nguồn cung khí đốt từ Nga ngừng hoàn toàn: Hiệp hội công nghiệp Đức (BDI) cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế ở nước này nếu Nga ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho Đức.
Theo BDI, Đức chắc chắn rơi vào suy thoái kinh tế nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt. BDI đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2022 từ mức dự báo 3,5% đưa ra trước khi bùng phát cuộc xung đột Ukraine, xuống 1,5%.
Bị cắt nguồn cung khí đốt, châu Âu quay trở lại với điện than: Sau Đức và Áo, Hà Lan là quốc gia tiếp theo quyết định nâng mức sử dụng điện than sau cuộc khủng hoảng năng lượng do căng thẳng Nga-Ukraine.
Động thái này diễn ra sau khi lượng khí đốt từ Nga đến một số quốc gia chủ chốt tại Châu Âu bị sụt giảm, đe doạ châu Âu có thể lâm vào tình trạng thiếu khí đốt vào mùa Đông tới nếu các kho dự trữ khí đốt không thể được lấp đầy trong mùa Hè này.
Nga tố Ukraine tấn công nhà máy lọc dầu: Nhà máy lọc dầu ở miền nam nước Nga cho biết họ bị máy bay không người lái từ Ukraine tấn công, gây ra hỏa hoạn và buộc cơ sở phải dừng hoạt động.
Nhà máy lọc dầu Novoshakhtinsk nằm ở vùng Rostov của Nga, cách biên giới với vùng ly khai Lugansk của Ukraine vài km.
"Hai máy bay không người lái (UAV) sáng 22/6 tấn công các cơ sở kỹ thuật, thực hiện hành động khủng bố từ biên giới phía tây của vùng Rostov", nhà máy lọc dầu Novoshakhtinsk ngày 22/6 ra tuyên bố, cho biết một vụ nổ đã xảy ra và gây hỏa hoạn./.