Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 24/5
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 24/5.
Đan Mạch sẽ gửi tên lửa diệt hạm cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, Đan Mạch sẽ cung cấp một số lượng tên lửa diệt hạm Harpoon kèm bệ phóng cho Ukraine. Các tên lửa này nhằm giúp “bảo vệ bờ biển Ukraine”.
Ngoài Đan Mạch sẵn sàng cung cấp tên lửa diện hạm, Séc cũng cam kết cung cấp trực thăng chiến đấu, xe tăng và hệ thống phóng rocket đa nòng. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phía Ukraine đề nghị được cung cấp pháo tầm xa, xe tăng, xe thiết giáp và UAV.
Mỹ vẫn chưa có kế hoạch triển khai binh sỹ trở lại Ukraine. Quyết định cuối cùng sẽ do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley cho biết.
Ông Milley thừa nhận, hiện đang có các cuộc thảo luận về kế hoạch triển khai lực lượng Mỹ trở lại Ukraine. Kế hoạch cụ thể vẫn chưa được chuyển lên để ông hoặc Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin xem xét. Tổng thống Biden sẽ là người ra quyết định cuối cùng về việc này.
Ba Lan chấm dứt thỏa thuận khí đốt với Nga. Theo Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan, nước này đã chấm dứt thỏa thuận tiếp nhận khí đốt của Nga qua đường ống Yamal - Châu Âu gần một tháng. Tuy nhiên, các dòng khí đốt từ Đức đến Ba Lan qua đường ống Yamal sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc chấm dứt hợp đồng.
Ngoại trưởng Lavrov tiết lộ chiến lược địa chính trị của Nga. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Nga kỳ vọng hợp tác kinh tế với Trung Quốc sẽ tăng lên trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow với phương Tây xấu đi nhanh chóng. Ông Lavrov nói thêm rằng Nga có ý định xây dựng quan hệ với các nước trung lập và sẽ có quyết định về cách thức và thời điểm hợp lý đối phó với phương Tây.
“Ngoài nguồn thu trực tiếp cho ngân khố, việc phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc sẽ cho chúng tôi cơ hội thực hiện các kế hoạch phát triển vùng Viễn Đông và Đông Siberia. Phần lớn các dự án với Trung Quốc đều tập trung ở đó. Đây là cơ hội để chúng tôi nhận ra tiềm năng của mình trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm năng lượng hạt nhân và trong một số lĩnh vực khác”, Ngoại trưởng Nga nêu rõ.
Tổng thống Ukraine ký đạo luật tịch thu tài sản của các công dân ủng hộ Nga. Đạo luật, đã được Quốc hội Ukraine thông qua vào giữa tháng 5, tuyên bố việc tịch thu tài sản là một biện pháp “bất thường”, chỉ có thể được sử dụng trong thời gian áp dụng thiết quân luật, dựa trên phán quyết của tòa án.
Tổng thống Zelensky cho biết: “Quá trình theo dõi và thu giữ tài sản của những đối tượng bị trừng phạt, những người hỗ trợ các hành động gây hấn chống lại Ukraine bằng bất cứ cách nào, sẽ cho phép chúng tôi bổ sung nhanh chóng và hiệu quả ngân sách của Ukraine trong khi buộc đối phương phải trả giá”.
>> Mỹ đã trượt sâu vào xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine?
Quân đội New Zealand huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng pháo 105mm. Quân đội New Zealand sẽ cử 30 chuyên gia quân sự đến Anh để huấn luyện các binh sĩ Ukraine vận hành loại pháo hạng nhẹ L119 105mm. Thời gian triển khai huấn luyện sẽ kéo dài trong 2 tháng. Bên cạnh việc cử các chuyên gia quân sự, quân đội New Zealand cũng sẽ cung cấp 40 kính ngắm và đạn dược sử dụng cho mục đích huấn luyện.
Ông Zelensky nói sẵn sàng gặp ông Putin để thảo luận cách chấm dứt chiến tranh. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos thông qua hình thức trực tuyến, Tổng thống Zelensky nói rằng, việc sắp xếp bất cứ cuộc đàm phán nào với Nga ngày càng trở nên khó khăn hơn vì những gì ông cho là bằng chứng về các hành động của Nga chống lại dân thường.
Tổng thống Zelensky nêu rõ: “Tổng thống Nga quyết định tất cả. Nếu chúng ta nói về việc chấm dứt cuộc chiến mà không có ông ấy thì quyết định đó không thể thực hiện được. Tôi không chấp nhận một cuộc gặp với bất cứ ai đến từ Nga, ngoại trừ tổng thống. Và chỉ trong trường hợp có một vấn đề được đặt trên bàn: đó là chấm dứt chiến tranh. Không có bất cứ lý do nào để tiến hành các cuộc gặp khác”.
Giao tranh ác liệt tiếp diễn tại Donbass, Nga bao vây nhiều thành phố lớn. “Cuộc chiến khó khăn nhất hiện nay là ở Donbass. Nga đang tập trung tiến hành các hoạt động lớn ở Bakhmut, Popasna, Severodonetsk”, ông Zelensky tuyên bố trong bài phát biểu trước quốc gia.
“Cuộc chiến sẽ rất khó khăn trong những tuần tới. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chiến đấu. Chiến đấu và chiến thắng để giải phóng các vùng đất và người dân của chúng tôi”, ông Zelensky khẳng định.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Nga đã tăng cường hoạt động ở Donbass khi tìm cách bao vây Severodonetsk, Lyschansk và Rubizhne để sớm giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Lugansk. Ukraine đã tiến hành chiến dịch phản công mạnh mẽ với các tuyến phòng thủ sẵn có. Tuy nhiên Nga đã đạt được một số thành công, một phần do tập trung sức mạnh của các đơn vị pháo binh.
Nga có thể thiết lập căn cứ quân sự ở Kherson. Theo Sputnik, chính quyền do Nga thành lập tại tỉnh Kherson (Ukraine) sẽ yêu cầu Moscow thiết lập một căn cứ quân sự ở khu vực này. Ông Kirill Stremousov, phó lãnh đạo chính quyền quân sự - dân sự của Kherson cho biết: “Cần có một căn cứ quân sự của Nga tại Kherson. Chúng tôi sẽ yêu cầu điều này và đây cũng là mong muốn của người dân. Việc thành lập căn cứ quân sự của Nga sẽ giúp đảm bảo an ninh cho khu vực”.
Nga cáo buộc Ukraine tham gia phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong cuộc họp với bộ trưởng các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ngày 24/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng có một mối đe dọa thực sự về việc Ukraine phát triển vũ khí hạt nhân và các cách thức họ sử dụng loại vũ khí này. Theo ông Shoigu, Moscow có bằng chứng chứng minh Ukraine vi phạm các thỏa thuận quốc tế thông qua việc tham gia phát triển một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Kiev nói Nga triển khai hệ thống tên lửa Iskander ở Belarus, gần biên giới Ukraine. Ukraine cho rằng Nga đã tái triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M tới khu vực Brest ở Belarus, cách biên giới với Ukraine 50km. Tuyên bố được Bộ Tham mưu Quân đội Ukraine đang tải trên Facebook sáng 24/5.
Phía Ukraine nhấn mạnh mối đe dọa từ các cuộc không kích và tấn công tên lửa nhằm vào các mục tiêu Ukraine từ phía lãnh thổ Belarus ngày càng gia tăng. Nga và Belarus hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Hà Lan nêu lý do Ukraine khó gia nhập EU. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng, cơ hội trở thành thành viên Liên minh châu Âu, thậm chí cả việc giành được quy chế quốc gia ứng viên của Ukraine không lớn, vì có quá nhiều thành viên phản đối.
Ông Rutte bày tỏ tin tưởng tất cả các quốc gia trên lục địa châu Âu đều có quyền gia nhập EU miễn là họ đáp ứng các điều kiện. Việc Ukraine sớm được kết nạp làm thành viên EU cũng sẽ không công bằng với các nước Tây Balkan vì họ đã phải chờ đợi rất lâu để trở thành quốc gia ứng viên./.