Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 25/1
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 25/1/2023.
Nga tuyên bố bắn cháy bất cứ xe tăng nào của Mỹ ở Ukraine: Đại sứ Nga tại Mỹ Antonov vừa cảnh báo, bất cứ xe tăng chiến đấu nào của Mỹ được gửi tới Ukraine đều sẽ bị quân Nga phá hủy. Người phát ngôn điện Kremlin Peskov cũng đưa ra tuyên bố về việc bắn cháy xe tăng đối phương.
Khi được hỏi về khả năng Mỹ xuất các xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Mỹ sang Ukraine, Đại sứ Anatoly Antonov cho rằng động thái đó sẽ chỉ làm leo thang mức độ dính líu của Mỹ vào xung đột Ukraine và vượt quá đề xuất cung cấp "vũ khí phòng ngự".
Đức giúp Ukraine lập 2 tiểu đoàn trang bị xe tăng Leopard 2: Nội các Đức vừa chính thức phê chuẩn cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Thông cáo của Thủ tướng Scholz nêu rõ, mục đích là nhanh chóng lập 2 tiểu đoàn trang bị xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Trước mắt, Đức sẽ cấp cho Ukraine 14 xe tăng loại này.
Phía Đức đưa ra thông báo trên vào ngày 25/1. Số xe tăng ban đầu sẽ được cấp từ chính kho vũ khí của Đức.
Theo thông cáo, việc huấn luyện binh sĩ Ukraine sẽ sớm bắt đầu trên lãnh thổ Đức, đồng thời Đức cũng sẽ cung cấp hậu cần, đạn dược.
Ukraine không sẵn sàng ký kết thỏa thuận với Nga tương tự như Minsk: Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine - Dmitry Kuleba tuyên bố, nước này không có ý định ký kết bất kỳ thỏa thuận nào với Nga tương tự như thỏa thuận Minsk.
Trong một bài báo viết cho tờ Politico, Ngoại trưởng Ukraine - Dmitry Kuleba nhấn mạnh rằng, những sai lầm của tiến trình Minsk không nên lặp lại. Trên thực tế, chúng nên được coi là một ví dụ về cách không đàm phán với Nga.
Trước đó, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận rằng, mục đích của các thỏa thuận Minsk là cố gắng cho Ukraine thời gian để tự củng cố. Theo bà, mọi người đều hiểu rằng, cuộc xung đột ở Ukraine không được giải quyết mà bị đóng băng. Bà cũng lưu ý rằng, vào năm 2014, NATO không thể cung cấp cho chế độ Kiev nhiều vũ khí như hiện nay.
Ukraine thừa nhận rút quân khỏi Soledar: Quân đội Ukraine xác nhận rút hết lực lượng khỏi Soledar, đô thị gần thành phố chiến lược Bakhmut, khẳng định các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ.
"Sau nhiều tháng chiến sự ác liệt, quân đội Ukraine đã rời Soledar và rút lui đến những vị trí chuẩn bị trước ở ngoại ô thành phố", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine Sergiy Cherevaty cho biết, đồng thời phủ nhận thông tin lượng lớn binh sĩ nước này bị bao vây và bắt làm tù binh ở Soledar.
Quan chức Ukraine không tiết lộ thời điểm các đơn vị rút khỏi thành phố, nhưng nhấn mạnh động thái này được lên kế hoạch cẩn thận.
Ukraine sa thải hàng loạt quan chức quân sự sau các cáo buộc tham nhũng: Chính quyền Ukraine sa thải nhiều quan chức cấp cao vào ngày 24/1 trong bối cảnh có nhiều cáo buộc tham nhũng, đặc biệt liên quan đến quân sự. Việc sa thải xảy ra ở nhiều cấp, bộ ngành của quốc gia này.
Tổng thống Ukraine Zelensky công bố cuộc cải tổ này trong một bài phát biểu thông qua video. Động thái cải tổ này ảnh hưởng đến các quan chức "ở các cấp khác nhau, trong các bộ và các cơ quan trung ương và cấp tỉnh, trong ngành thực thi pháp luật".
Mariupol sau 8 tháng nằm dưới quyền kiểm soát của Nga: Thành phố Mariupol từng bị tàn phá dữ dội sau các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine. Sau 8 tháng nằm dưới quyền kiểm soát của Nga, thành phố vẫn còn nhiều "vết sẹo" nhưng đã bắt đầu được xây dựng lại.
Thổ Nhĩ Kỳ ngừng đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan về việc gia nhập NATO: Ngày 24/1, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đình chỉ cơ chế gặp gỡ và đàm phán ba bên với Thụy Điển và Phần Lan liên quan đến việc gia nhập NATO.
Theo giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, hôm qua (24/1) chính quyền nước này đã tuyên bố ngừng các cuộc họp và đàm phán ba bên với Thụy Điển và Phần Lan về việc gia nhập NATO trong một thời gian không xác định. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định, sẽ không ủng hộ việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO, chừng nào Stockholm còn “không tôn trọng tín ngưỡng Hồi giáo và tiếp tục ủng hộ các tổ chức khủng bố”./.