Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 27/6
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 27/6.
Tổng thống Nga Putin công du nước ngoài lần đầu tiên kể từ tháng 2. Tổng thống Putin sẽ thăm Turkmenistan và Tajikistan trong tuần này. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2.
Do lệnh trừng phạt của các nước phương Tây, việc công du nước ngoài trở thành vấn đề phức tạp đối với giới chức Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Gần đây nhất, Bulgaria và Bắc Macedonia đã đóng cửa không phận đối với máy bay chở Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, buộc ông phải hủy chuyến thăm được lên kế hoạch từ trước tới Serbia.
Mỹ muốn mua hệ thống phòng không tầm xa cho Ukraine, CNN dẫn nguồn tin cho biết. Ngoài Mỹ, nhiều nước khác dự kiến cũng sẽ công bố trong tuần này các gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm đạn pháo và radar.
Phía Ukraine đã đề nghị được cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa, có tên là NASAMS, vì vũ khí này có thể đánh trúng mục tiêu cách xa hơn 100 km. Theo nguồn tin, lực lượng Ukraine có thể sẽ cần được đào tạo về hệ thống này.
Nga tố Ukraine lại nã pháo vào giàn khoan ngoài khơi bán đảo Crimea. Vụ việc xảy ra chưa đầy một tuần sau vụ tấn công nhằm vào các giàn khoan của Nga ngoài khơi bán đảo Crimea khiến 3 người bị thương.
Kênh Baza Telegram trích dẫn các nguồn tin cho biết một quả đạn đã bắn trúng giàn khoan nổi Tavrida thuộc sở hữu của Chernomorneftegaz, tạo một lỗ hổng trên bãi đáp trực thăng của giàn khoan.
G7 sẽ cấm nhập khẩu vàng từ Nga. Biện pháp này là sự tiếp nối chính sách trừng phạt của phương Tây đối với Nga do chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Giáo sư Khoa Tài chính và Ngân hàng của Học viện Kinh tế quốc dân và dịch vụ công Yuri Yudenkov cho rằng, việc một số nước phương Tây và châu Á từ chối vàng của Nga chỉ liên quan đến các khoản thanh toán quốc tế đối với hàng hóa nhập khẩu cung cấp cho Nga. Có nghĩa là, cho đến gần đây, Nga có thể thanh toán cho các sản phẩm nước ngoài ở bất kỳ định dạng nào bằng vàng của mình. Giờ đây, các quốc gia được đề cập sẽ không chấp nhận thanh toán vàng từ Nga.
G7 xem xét giới hạn giá dầu của Nga. Động thái này được cho là nhằm ngăn Nga được hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cũng như chặn giá dầu tăng vọt.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel thông báo các lãnh đạo G7 sẽ thảo luận chi tiết về vấn đề đặt mức giá trần với dầu mỏ của Nga. Động thái này được cho là nhằm ngăn Nga được hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cũng như chặn giá dầu tăng vọt.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga, bất chấp sức ép của phương Tây.
Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên nhận được các yêu cầu của phương Tây về việc trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, song nước này vẫn giữ vững lập trường, khẳng định sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt này.
Nga “vỡ nợ” nước ngoài sau hơn một thế kỷ. Theo Bloomberg, việc Nga không thể thanh toán đúng hạn tiền lãi của trái phiếu nước ngoài đã khiến nước này rơi vào tình trạng vỡ nợ về mặt kỹ thuật.
Đáng ra, Nga phải trả khoản lãi suất trị giá 100 triệu USD từ hôm 27/5 nhưng đã được ân hạn đến ngày 26/6. Tuy nhiên, Đến cuối ngày 26/6, Nga vẫn chưa thể thanh toán khoản lãi 100 triệu USD. Như vậy, Nga được coi như vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên kể từ năm 1918, khi chính quyền Nga từ chối công nhận các khoản nợ từ thời Sa hoàng.
Nga phản bác thông tin vỡ nợ nước ngoài. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 27/6 phản bác thông tin cho rằng Nga “vỡ nợ” nước ngoài, cho rằng đây là tuyên bố vô căn cứ, bởi việc thanh toán đã được thực hiện vào tháng 5/2022.
Bộ Tài chính Nga cũng cho biết, Nga đã chỉ đạo các quỹ thực hiện thanh toán trước trái phiếu Eurobond nhưng người thụ hưởng chưa nhận được tiền do hành động của các trung gian tài chính nước ngoài và sự kiện này không thể coi là sự cố vỡ nợ.
UAE đề nghị làm trung gian trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine, RIA Novosti dẫn một nguồn tin thực thi pháp luật cho biết.
UAE đã đề nghị “hỗ trợ” một cuộc trao đổi tù binh có thể xảy ra giữa Nga và Ukraine. Thông tin từ RIA Novosti cho biết thêm rằng, đề xuất của UAE sẽ được xem xét khi danh sách các tù binh dự kiến nằm trong diện trao đổi được hoàn thành.
Nga tấn công nhà máy rocket của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga ngày 27/6 cho biết các lực lượng nước này đã tấn công tên lửa vào một nhà máy sản xuất rocket ở thủ đô Kiev của Ukraine. Nhà máy này hiện đang được sử dụng để sản xuất đạn dược cho hệ thống phóng rocket đa nòng.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tấn công được thực hiện ngày 26/6 với 4 tên lửa có độ chính xác cao, tất cả đều đánh trúng nhà máy sản xuất rocket Artyom, nằm ở quận Shevchenkovskiy, thủ đô Kiev, mà không làm hư hại cơ sở hạ tầng dân sự trong thành phố.
NATO sẽ tăng gấp 7 lần quân số lực lượng phản ứng nhanh. Phát biểu với báo giới trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha vào cuối tuần này, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg nói rằng: “Chúng tôi sẽ tái cơ cấu lực lượng phản ứng của NATO và tăng số lượng lực lượng sẵn sàng cao lên hơn 300.000 người”.
Lực lượng phản ứng nhanh NATO (NRF) hiện có khoảng 40.000 quân nhân. Ông Stoltenberg cũng cho biết các đồng minh sẽ đẩy mạnh khả năng phòng không và tăng cường dự trữ quân nhu.
Tổng thống Ukraine muốn kết thúc xung đột trong năm nay. Trong bài phát biểu trực tuyến trước các nhà lãnh đạo G7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông muốn xung đột với Nga kết thúc trong vài tháng tới chứ không phải trong vài năm tới.
Theo một nguồn thạo tin tiết lộ với CNN, nhà lãnh đạo Ukraine cũng kêu gọi sự hỗ trợ mạnh mẽ để kết thúc xung đột vào cuối năm nay, trước khi mùa đông bắt đầu./.