Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 4/5
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính đáng chú ý về tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 4/5/2024.
Tổng thống Pháp nêu 2 điều kiện để triển khai quân tới Ukraine: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, các quốc gia NATO và châu Âu sẽ phải xem xét việc gửi quân tới Ukraine với hai điều kiện, trong bối cảnh tranh cãi về khả năng đưa quân sang Ukraine vẫn tiếp tục diễn ra.
“Nếu Nga chọc thủng tiền tuyến của Ukraine và nếu có đề nghị từ phía Ukraine, tất nhiên điều đó không xảy ra ngay hôm nay, chúng ta sẽ phải cân nhắc khả năng gửi quân tới Ukraine”, Tổng thống Macron trả lời phỏng vấn The Economist ngày 2/5.
Một số quốc gia dù đã cung cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng vẫn ngần ngại trước ý tưởng đưa quân tới Ukraine, một động thái có thể kéo NATO vào cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.
Cận cảnh Nga tập kích hệ thống IRIS-T ở Ukraine bằng đạn chính xác cao: Bộ Quốc phòng Nga ngày 2/5 công bố đoạn video do máy bay không người lái ghi lại cho thấy lực lượng nước này tấn công phá hủy hệ thống phòng không IRIS-T do Đức cung cấp ở Ukraine.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống IRIS-T được phát hiện tại một địa điểm hẻo lánh gần làng Ostroverkhova ở vùng Kharkiv. Hình ảnh từ UAV cho thấy các thành phần của hệ thống gồm phương tiện chỉ huy và điều khiển cùng bệ phóng được phủ kín. Mục tiêu bị đánh trúng bằng 2 quả đạn chưa xác định, có thể là đạn chính xác cao được phóng từ hệ thống Tornado-S của Nga.
Ukraine hạn chế ảnh vệ tinh chụp lãnh thổ, tránh lộ bí mật cho phía Nga: Ukraine muốn hạn chế các công ty chụp ảnh vệ tinh lãnh thổ nước này để ngăn chặn khả năng phía Nga có thể truy cập dữ liệu thông qua các công ty bình phong.
Ukraine sẽ hạn chế hình ảnh vệ tinh chụp lãnh thổ nước này do lo ngại chúng có thể được Nga sử dụng để chống lại Kiev.
“Hàng ngày, các công ty vệ tinh đều chụp ảnh lãnh thổ Ukraine. Những hình ảnh này có thể bị đối phương sử dụng”, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Kateryna Chernohorenko cho biết. Theo ông Chernohorenko “trong thời chiến, chúng ta phải giảm thiểu rủi ro khi đối phương sử dụng hình ảnh của Ukraine”. Nga có thể tiếp cận chúng thông qua các công ty vỏ bọc.
Anh công bố gói hỗ trợ quân sự 3 tỷ bảng cho Ukraine: Anh sẽ hỗ trợ Ukraine gói quân sự hàng năm lến đến 3 tỷ bảng Anh, tương đương hơn 3,7 tỷ USD. Đây là khẳng định của Ngoại trưởng Anh David Cameron trong chuyến thăm Ukraine hôm qua (2/5).
Ngoại trưởng Anh cũng cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine trong tất cả khả năng nước này có thể: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tiên phong trong cách chúng tôi hỗ trợ Ukraine. Chúng tôi sẽ hỗ trợ 3 tỷ bảng mỗi năm cho Ukraine và chúng tôi thực sự đã dốc hết khả năng của mình về mặt hỗ trợ này".
Anh hiện là quốc gia hỗ trợ quân sự cho Ukraine lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Trong năm 2022, Anh đã hỗ trợ 2,3 tỷ bảng Anh cho Ukraine và giúp huấn luyện 15.000 binh sĩ. Trong năm 2023, Anh đã cung cấp các trang thiết bị quân sự hiện đại cho Ukraine, như phi đội xe tăng chiến đấu chủ lực, pháo tự hành, hàng trăm xe bọc thép.
Phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine, Nga phản ứng mạnh: Ngoại trưởng Anh David Cameron ngày 2/5 cho biết nước này sẽ hỗ trợ Ukraine gói quân sự hàng năm lên đến 3 tỷ bảng Anh. Trước Anh thì Mỹ, Đức cũng như nhiều thành viên khác của NATO tuyên bố sẽ tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. Động thái này vấp phải sự phản ứng mạnh từ Nga.
Ukraine tố Nga thực hiện 626 vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học: Quân đội Ukraine trên tiền tuyến cho rằng họ đã bị tấn công mỗi ngày bằng khí độc và nhiều loại vũ khí chứa chất độc hóa học - những loại hóa chất bị cấm sử dụng trên chiến trường kể từ Thế chiến thứ nhất.
Quân đội Ukraine mới đây đã lên tiếng cáo buộc Nga thực hiện 626 vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học kể từ khi cuộc xung đột nổ ra hồi năm 2022. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với The Telegraph, ông Ihor - một chỉ huy đội trinh sát Kiev tại tiền tuyến Chasiv Yar (Donetsk) cho biết Nga sử dụng “từ một đến hai quả lựu đạn hơi cay mỗi ngày" trên chiến trường Ukraine.
Dù không gây thương vong, những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học đã gây ra sự hoang mang nhất định trong nội bộ quân đội Ukraine. “Ngay khi nhìn thấy khí độc, bản năng đầu tiên của con người là bỏ chạy do hoảng loạn. Điều này khiến lính Ukraine dễ bị tấn công sau đó bằng nhiều loại vũ khí thông thường", ông Ihor nói.
Ukraine chỉ có 2 tháng trước khi tên lửa ATACMS có thể bị Nga "vô hiệu hóa": Ông Ivan Stupak, cựu sĩ quan Cơ quan an ninh Ukraine và hiện là cố vấn cho Ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo quốc gia của quốc hội Ukraine dự đoán quân đội Ukraine chỉ có rất ít thời gian để "loại bỏ càng nhiều tài sản quân sự của Nga càng tốt" trước khi Moscow tìm ra cách ứng phó với hệ thống tên lửa tác chiến chiến thuật tầm xa ATACMS.
“Như chúng ta biết, người Nga có thể thích nghi trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tôi nghĩ chúng ta chỉ còn 2 tháng trước khi ATACMS hoàn toàn bị "vô hiệu hóa" trên chiến trường", ông Stupak nói.
Là dòng tên lửa đạn đạo cấp chiến thuật duy nhất đang nằm trong biên chế của quân đội Mỹ, ATACMS có tầm bắn lên tới hơn 300km với độ chính xác cao nhờ khả năng tự dẫn đường kết hợp giữa quán tính và định vị vệ tinh GPS để tấn công vào những mục tiêu nằm sâu bên trong phòng tuyến của đối phương.
Mặt trận miền Đông rực lửa, Ukraine đối mặt mũi tiến công của Nga từ nhiều phía: Nga đang tiến công dọc nhiều khu vực trên mặt trận phía Đông nhưng theo các quan chức quân sự Ukraine, cho đến nay, lực lượng phòng thủ vẫn có khả năng cầm cự trước quân đội Nga được trang bị tốt hơn.
Giữa bối cảnh gói hỗ trợ vũ khí của Mỹ trị giá 61 tỷ USD mới được thông qua gần đây sẽ đến Ukraine theo từng giai đoạn sau 6 tháng trì hoãn, các lực lượng của Nga đang tìm cách tận dụng lợi thế về lực lượng và pháo để giành thêm lãnh thổ. Động thái này diễn ra sau khi Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Srysky thừa nhận cuối tuần trước rằng: "Tình hình trên tiền tuyến ngày càng tồi tệ".
Ukraine "đặt cược" vào UAV tầm xa khi tấn công vào lãnh thổ Nga: Ukraine đang đặt cược vào UAV tầm xa để tấn công vào các nhà máy lọc dầu, sân bay và trung tâm hậu cần ở sâu bên trong lãnh thổ Nga.
>>> Ukraine "đặt cược" vào UAV tầm xa khi tấn công vào lãnh thổ Nga