Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 5/7
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 5/7/2024.
Nga dồn dập tấn công, chiếm được quận then chốt của Ukraine trong thành trì Chasov Yar: Ngày 3/7, Nga cho biết các lực lượng của nước này đã chiếm được một quận quan trọng ở thị trấn Chasov Yar chiến lược gần Bakhmut thuộc phía Đông Ukraine, nơi Moscow đã tiến công trong nhiều tháng qua.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội nước này đã kiểm soát quận Novy thuộc Chasov Yar nhưng hiện chưa rõ liệu các lực lượng của Moscow đã vượt được một kênh đào chạy qua khu vực phía Đông của thị trấn hay chưa.
Trong khi đó, theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các lực lượng của Nga không đạt được nhiều thành quả dọc tiền tuyến phía Đông Ukraine trong khi Kiev chờ gói hỗ trợ quân sự được Quốc hội Mỹ thông qua.
Tên lửa tối tân Nga có thể khiến F-16 trở thành mục tiêu dễ dàng như Su-27: Nga có thể có thể sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal nếu căn cứ triển khai F-16 được Ukraine bố trí nằm ngoài tầm bắn của tên lửa Iskander.
Ông Dmitry Kornev, người sáng lập cổng thông tin quân sự Nga cho hay, tiêm kích F-16 do các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine sẽ bị săn lùng và tiêu diệt trong các cuộc tấn công chính xác của Nga, tương tự như cuộc tấn công phá hủy 5 máy bay chiến đấu Su-27 gần đây.
Hệ thống phòng không S-350 của Nga đánh chặn cùng lúc 12 tên lửa HIMARS: Chỉ huy sư đoàn tên lửa phòng không thuộc Nhóm chiến đấu Yug của Nga cho hay, tại khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt, hệ thống S-350 Vityaz đã đánh chặn cùng lúc 12 tên lửa HIMARS của lực lượng Ukraine.
“Cách đây không lâu, chúng tôi phải đối phó với một cuộc tập kích bằng hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS). Có khoảng 12-16 mục tiêu. Tổ hợp S-350 không gặp khó khăn gì trong việc phát hiện và xử lý đồng loạt các tên lửa do đối phương phóng đi”, chủ huy sư đoàn phòng không của Nhóm chiến đấu Yug nói.
Nga phá hủy tiêm kích MiG-29 và trực thăng Mi-24 của Ukraine, hạ siêu tăng Abrams và bắn cháy USV đối phương: Nga tuyên bố đã tiến hành thành công cuộc tấn công tên lửa chiến thuật thứ ba nhằm vào một sân bay của Ukraine trong tuần này, phá hủy một tiêm kích MiG-29 tại Dnepropetrovsk. Cuộc tấn công này được cho là đã sử dụng tên lửa Iskander tấn công vào sân bay Dolgintsovo nằm cách thành phố Krivoy Rog 10km về phía Đông.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất được lực lượng Ukraine sử dụng cũng đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công UAV của Nga.
Bộ này ngày 3/7 cho biết, lực lượng hải quân Nga đã đánh chặn và phá hủy 2 phương tiện không người lái mặt nước được Ukraine triển khai để tấn công cảng Novorossiysk. Ngoài ra, các lực lượng Nga đã tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa vào một sân bay ở miền Trung Ukraine, phá hủy một trực thăng chiến đấu Mi-24.
Mỹ công bố viện trợ quân sự 2,3 tỷ USD cho Ukraine: Ngày 3/7, Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 2,3 tỷ USD cho Ukraine. Thông báo được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine thêm tên lửa phòng không và các loại đạn dược quan trọng.
Một phần của gói viện trợ mới của Mỹ dành cho Ukraine bao gồm đạn pháo, tên lửa đánh chặn và vũ khí chống tăng. Các loại vũ khí này sẽ được lấy từ kho dự trữ của Mỹ và sẽ sớm được vận chuyển cho Ukraine. Phần còn lại của gói viện trợ trị giá 2,2 tỷ USD bao gồm tên lửa phòng không Patriot và NASAMS thuộc sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine.
Phần Lan: Trung Quốc có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine bằng 1 cú điện thoại: Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb vừa tuyên bố rằng nếu quyết tâm thì Trung Quốc có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Theo ông Stubb, chỉ cần một cuộc gọi điện thoại từ Chủ tịch Trung Quốc là giải quyết được khủng hoảng Ukraine.
Trong khi đó, Điện Kremlin bác khả năng Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán Nga-Ukraine. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan không thể đóng vai trò trung gian trong cuộc xung đột đã kéo dài 28 tháng giữa Nga và Ukraine.
Nhà Trắng trước sức ép để Ukraine dùng vũ khí vượt lằn ranh đỏ tấn công Nga: Trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ngày 2/7, một số nghị sĩ cấp cao trong Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã kêu gọi Nhà Trắng dỡ bỏ hạn chế áp lên Ukraine về việc sử dụng các vũ khí tầm xa do Washington cung cấp.
Chuyên gia cảnh báo mức độ nguy hiểm khi Ukraine tiến gần gia nhập NATO: Khả năng Ukraine trở thành thành viên NATO trong tương lai đã được tranh luận sôi nổi trước thềm hội nghị thượng đỉnh sắp tới của liên minh ở Washington.
Hàng chục chuyên gia về chính sách đối ngoại ngày 3/7 đã kêu gọi các thành viên NATO tránh thúc đẩy tư cách thành viên của Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh, đồng thời cảnh báo rằng điều này sẽ gây nguy hiểm cho Mỹ và đồng minh cũng như gây ra rạn nứt trong liên minh.
Nổ lớn tại cơ sở sản xuất vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine: Hai người bị thương và một người mất tích trong vụ nổ nhà máy sản xuất vũ khí của General Dynamics tại Camden, Arkansas. Đây là nơi cung cấp đầu đạn tên lửa Javelin và Hellfire cùng đạn pháo cho Ukraine.
Người phát ngôn General Dynamics, bà Berkley Whaley cho biết, vụ nổ xảy ra vào lúc 8h sáng 3/7 (theo giờ Mỹ). Ban đầu, bà Whaley nói rằng đó chỉ là “một sự cố liên quan đến vật liệu dùng làm pháo sáng”, nhưng sau đã thừa nhận đây là một vụ nổ.