Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 5/8
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 5/8.
Ukraine nói phải nhượng bộ một số lãnh thổ trước cuộc tấn công của Nga: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần này đã gọi sức ép mà quân đội của nước này phải đối mặt ở khu vực Donbass là "địa ngục". Ông cho biết giao tranh dữ dội xảy ra quanh thị trấn Avdiivka và làng Pisky - những nơi mà Kiev thừa nhận Nga đã đạt được "thành công một phần" trong những ngày gần đây.
Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO mô tả xung đột Nga-Ukraine là “tình huống nguy hiểm nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai” và nói thêm rằng Nga không được phép giành chiến thắng ở Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh, tránh một cuộc chiến toàn diện với Nga là một trong những ưu tiên chính của NATO.
Latvia đình chỉ thỏa thuận hợp tác kinh tế với Nga: Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Latvia đưa ra vào ngày 4/8 nêu rõ rằng, từ ngày 1/8/2022, đình chỉ các thỏa thuận liên chính phủ giữa Latvia và Nga "về việc thành lập một ủy ban liên Chính phủ trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nhân đạo và văn hóa", về "hợp tác kinh tế" và "đơn giản hóa việc đi lại lẫn nhau của cư dân khu vực biên giới ".
Phương Tây sẽ không để Ukraine vỡ nợ giữa lúc xung đột với Nga: Việc Ukraine phải thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nợ có nghĩa là khả năng vỡ nợ gần như chắc chắn xảy ra. Tuy nhiên, các khoản viện trợ từ phương Tây có thể giúp Ukraine vượt qua khó khăn trong thời gian trước mắt.
>>> Phương Tây sẽ không để Ukraine vỡ nợ giữa lúc xung đột với Nga?
Nga phê duyệt kế hoạch phát triển Tuyến đường Biển Bắc đến năm 2035: Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã phê duyệt kế hoạch phát triển Tuyến đường biển phía Bắc đến năm 2035. Đây sẽ là hành lang giao thông toàn cầu mới, được sử dụng để cung cấp sản phẩm đến các quốc gia thân thiện trong điều kiện của các lệnh trừng phạt chống Nga.
EU trừng phạt cựu Tổng thống Ukraine: Hội đồng châu Âu đã đưa cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich và con trai ông là Aleksandr vào danh sách trừng phạt ngày 4/8. EU cáo buộc cựu Tổng thống Ukraine đóng vai trò trong việc "làm suy yếu hoặc đe dọa đến sự thống nhất lãnh thổ, chủ quyền và sự độc lập của Ukraine", cũng như "sự ổn định và an ninh" của nước này.
Hội đồng châu Âu không nêu chính xác lý do ông Yanukovich bị đưa vào danh sách trừng phạt mà thay vào đó chỉ gọi ông là "một người ủng hộ Nga". Con trai ông bị cáo buộc "tiến hành các giao dịch với các nhóm ly khai" ở Donbass.
Tướng Ukraine nhận định Nga có thể lấy tấn công làm phòng thủ ở Kherson: Nga có thể sẽ tiến hành cuộc tấn công vào khu vực Kherson ở phía Nam Ukraine để bảo vệ thành quả không rơi vào tay Kiev và Moscow đang tăng cường các lực lượng tại đây, Tướng Ukraine Oleksiy Hromov cho biết.
Theo ông Hromov, Nga đã đưa số lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự tới phía Đông Bắc của khu vực Kherson có vai trò chiến lược ở phía Nam Ukraine. "Có thể kẻ thù sẽ tiến hành các chiến dịch tấn công vào sâu trong lãnh thổ của chúng ta để đe dọa tới sự thành công của chúng ta, buộc quân đội Ukraine phải dừng mở rộng các đầu cầu và tiếp tục phòng thủ".
Toan tính của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ giữa vòng xoáy xung đột Ukraine: Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước bày tỏ nhiệt tình đóng góp vào nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine. Chuyến thăm Nga của Tổng thống Tayyip Erdogan đang nhận được sự quan tâm chú ý của dư luận.
>>> Toan tính của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ giữa vòng xoáy xung đột Ukraine
EU tăng cường nhập khẩu dầu mỏ của Nga: Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 700.000 thùng dầu mỗi ngày từ Nga trong tháng 7/2022, tăng 22% nhu cầu so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số liệu mới được Tổ chức theo dõi dầu lửa Vortexa công bố, cho thấy sự phụ thuộc năng lượng của EU vào Nga dù khối này liên tục kêu gọi giảm nguồn cung năng lượng từ Nga.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nga vẫn là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất đối với EU, chiếm một nửa số lượng dầu mỏ mà EU nhập khẩu và 15% tổng sản lượng năng lượng tiêu thụ tại Khối này. Cũng theo tổ chức này, nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ của Nga sẽ còn tăng trong những tháng tới trong bối cảnh giá khí đốt và giá điện vẫn không ngừng tăng, buộc các tập đoàn công nghiệp lớn của EU phải chuyển sang sử dụng nhiều dầu mỏ hơn.
Quân đội Ukraine pháo kích khu vực Kharkiv: Các lực lượng Ukraine ngày 4/8 sử dụng hệ thống phóng rocket đa nòng nã pháo vào khu vực Kharkiv.
>>> Quân đội Ukraine pháo kích khu vực Kharkiv
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Nga - Một mũi tên trúng nhiều đích: Ngày 5/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan bắt đầu chuyến thăm tới Nga. Dự kiến, Tổng thống Erdogan có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi. Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho hay nội dung thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo xoay quanh các vấn đề khu vực cũng như các biện pháp nhằm cải thiện mối quan hệ song phương. Đây là cuộc gặp trực tiếp lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong vòng 2 tuần.
>>> Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Nga: Một mũi tên trúng nhiều đích
Nga nêu điều kiện thảo luận trao đổi tù nhân với Mỹ: Nga sẵn sàng thảo luận việc trao đổi tù nhân với Mỹ, nhưng chỉ trong khuôn khổ các kênh mà tổng thống hai nước đã nhất trí từ trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết ngày 5/8.
“Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về chủ đề này, nhưng chỉ thông qua các kênh mà Tổng thống Putin và Tổng thống Biden đã nhất trí trước”, ông Lavrov trả lời Hãng Thông tấn TASS.
Lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm cô lập Nga đã thất bại: Nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm cô lập Nga thông qua trừng phạt đã không thành công và một nửa các quốc gia trong G20 từ chối tham gia vào các biện pháp trừng phạt này, Bloomberg đưa tin ngày 5/8. Argentina, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Saudi Arabia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đã không tham gia vào các lệnh trừng phạt do Mỹ, Anh, EU và các đồng minh của họ như Australia, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc thực hiện. Theo Bloomberg, lý do các biện pháp trừng phạt không nhận được nhiều sự ủng hộ là do mối quan hệ thương mại chặt chẽ và sự gắn kết trong lịch sử giữa một số nước với Moscow.
Tổng thống Putin nói EU nên biết ơn Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định ngày 5/8 trong cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan rằng, EU nên biết ơn Thổ Nhĩ Kỳ vì đã đảm bảo việc trung chuyển khí đốt sang thị trường châu Âu không bị gián đoạn. Theo Tổng thống Nga, đường ống TurkStream là một trong những đường ống quan trọng nhất vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu và nó đã hoạt động trơn tru mà không gặp phải vấn đề gì./.